Ở Việt Nam, Văn Miếu cấp quốc gia có từ thế kỷ XI (năm 1070), phát triển trở thành hệ thống có quy mô toàn quốc vào đầu thế kỷ XIX. Năm 1803, vua Gia Long đã lệnh cho các dinh trấn trong cả nước đều phải lập Văn Miếu. Theo sách “Văn Miếu Việt Nam”, do Trịnh Khắc Mạnh chủ biên, Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội xuất bản năm 2020, thì trên đất nước Việt Nam có 2 Văn Miếu Quốc gia gồm Văn Miếu Thăng Long - Hà Nội và Văn Miếu Huế; có 28 di tích Văn Miếu cấp tỉnh và 444 di tích Văn Miếu cấp phủ, tổng, xã, thôn. Hệ thống Văn Miếu ở Việt Nam không chỉ thờ Khổng Tử, cái riêng của Văn Miếu Việt Nam là trong Văn Miếu còn thờ các bậc Tiên Nho, Tiên hiền, những người đỗ đạt khoa bảng… là người Việt Nam, để khuyến khích việc học tập, thể hiện tinh thần tôn sư trọng đạo, chủ trương đào tạo nhân tài trong nền giáo dục khoa cử Nho học Việt Nam.
Lịch sử đã ghi nhận ở Tuyên Quang được xây dựng ở xã Ỷ La vào năm 1825. Tuy nhiên cũng giống như nhiều Văn Miếu cấp tỉnh, Văn Miếu Tuyên Quang chỉ còn tồn tại trong thư tịch mà thôi. Theo Đại Nam nhất thống chí, phần viết về tỉnh Tuyên Quang, phần Từ Miếu, mục Văn Miếu có ghi: “Văn Miếu ở xã Ỷ La, dựng năm Minh Mệnh thứ 6 (1825). Đền Khải Thánh ở phía Tây Văn Miếu” (Đại Nam nhất thống chí, Viện Sử học dịch và chú giải, Nhà xuất bản Thuận Hóa, năm 2006, tập 4, trang 416). Theo các nhà nghiên cứu, hiện chưa tra cứu được tư liệu khác ghi về Văn Miếu của tỉnh Tuyên Quang. Trải qua sự biến thiên của lịch sử, Văn Miếu Tuyên Quang giờ đây cũng không còn dấu tích.
Địa điểm xây dựng cũng chỉ nêu tại xã Ỷ La, mà xã Ỷ La thời xây dựng Văn Miếu Tuyên Quang bao gồm toàn bộ các phường Tân Quang, Minh Xuân, Phan Thiết, Ỷ La, Tân Hà, thành phố Tuyên Quang bây giờ. Do vậy, việc xác định chính xác địa điểm xây dựng Văn Miếu Tuyên Quang là vô cùng khó khăn do rất ít tư liệu lịch sử để lại. Tuy nhiên, người viết bài này vẫn xin được đưa ra một phỏng đoán về địa điểm Văn miếu Tuyên Quang. Các văn miếu trước đây thường được xây dựng gần lỵ sở của chính quyền thời đó. Văn miếu Tuyên Quang có lẽ cũng vậy. Mà lỵ sở của chính quyền tỉnh Tuyên Quang thời phong kiến nằm trong thành Tuyên Quang mà: “Thành tỉnh Tuyên Quang: chu vi 274 trượng, cao 7 thước 2 tấc, hào rộng 4 thước, sâu 5 thước, mở 3 cửa. Trong thành có 1 quả núi bằng đất, có hành cung dựng ở địa phận xã Ỷ La, huyện Hàm Yên. Trấn sở đời Lê cũng đóng ở đây, bản triều đầu đời Gia Long vẫn theo như thế. Năm Thuận Trị thứ 4, xây bằng đá ong” (Đại Nam nhất thống chí, Viện Sử học dịch và chú giải, Nhà Xuất bản Thuận Hóa, năm 2006, tập 4, trang 399). Như vậy, rất có thể địa điểm Văn miếu Tuyên Quang nằm trong khu vực trường THPT Tân Trào hiện nay. Đây chỉ là phỏng đoán của người viết, rất mong có thêm ý kiến của các nhà nghiên cứu về một di tích văn hóa vô cùng ý nghĩa của Tuyên Quang.
Tự hào là một địa phương từng có Văn Miếu trong lịch sử, mang trong mình niềm tự hào về những giá trị văn hóa truyền thống của quê hương, mỗi người Tuyên Quang, đặc biệt là thế hệ trẻ đang tiếp tục kế thừa những tinh hoa tốt đẹp của cha ông truyền lại, đồng thời tạo ra những giá trị văn hóa mới trong đời sống hiện đại. Góp phần xây dựng Tuyên Quang kinh tế ngày càng phát triển nhưng vẫn đậm đà bản sắc văn hóa truyền thống.
Gửi phản hồi
In bài viết