Năm 2021, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra hơn 3.000 vụ lợi dụng TMĐT để kinh doanh hàng giả, hàng nhái... với số tiền xử phạt hơn 20 tỷ đồng - Ảnh minh họa
Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, doanh thu thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam năm 2021 đạt 13,7 tỷ USD, tăng 16% so với năm 2020. Việt Nam thuộc nhóm 3 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thị phần bán lẻ trực tuyến cao nhất khu vực Đông Nam Á. Dự báo, tốc độ tăng trưởng của TMĐT Việt Nam năm 2022 có thể ở mức cao nhất từ trước tới nay nhờ kiểm soát tốt đại dịch COVID-19.
Bên cạnh sự phát triển vượt bậc của TMĐT tại Việt Nam thì tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng được bán tràn lan trên mạng internet, trên các nền tảng giao dịch trực tuyến đang là những tiêu cực của thị trường.
Bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết: "Thủ đoạn của các đối tượng vi phạm ngày càng phức tạp và tinh vi. Nhiều đối tượng không có kho hàng hay cửa hàng, phân tán hàng hóa nhiều nơi, khó xác định được kho hàng. Bên cạnh đó, các website và các trang mạng xã hội dễ dàng được tạo ra và đóng lại trong thời gian nhanh chóng nên rất khó kiểm soát".
Mặt khác, các nhà bán hàng trên sàn tìm mọi cách để lách qua các bộ lọc kỹ thuật của sàn, cố tình thay đổi tên sản phẩm khi đăng bán để tránh bị kiểm soát. Trong khi, các sàn hiện vẫn chưa đầu tư đúng mức cho nhân sự, bộ phận kỹ thuật để kiểm duyệt sản phẩm.
Trả phí cho Facebook, Google để quảng cáo hàng giả, hàng nhái
Có thể thấy, TMĐT đang là “mảnh đất” màu mỡ, khiến nhiều đối tượng lợi dụng để kinh doanh các loại hàng giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, thậm chí hàng cấm.
Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) còn cho biết, nhiều cơ sở kinh doanh (shop bán hàng – PV) còn trả phí cho Facebook, Google để quảng cáo hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Chưa kể đến việc không ít bài báo, video clip… của các cơ quan báo chí, truyền hình Việt Nam bị các đối tượng ăn cắp, chỉnh sửa, biên tập, cắt ghép, phát lại trên trên các nền tảng Youtube, Facebook để trục lợi, gây ảnh hưởng uy tín nặng nề cho các đơn vị này.
Đơn cử, năm 2021, lực lượng quản lý thị trường và Cục TMĐT và Kinh tế số đã kiểm tra hơn 3.000 vụ lợi dụng TMĐT để kinh doanh hàng lậu, xử phạt với số tiền hơn 20 tỷ đồng.
Cũng trong năm 2021, các đơn vị chức năng của Bộ Công Thương đã yêu cầu các nền tảng TMĐT rà soát và gỡ bỏ gần 14.000 sản phẩm, thiết bị hỗ trợ điều trị COVID-19... có dấu hiệu vi phạm trên gần 4.300 gian hàng.
Các thủ đoạn được các đối tượng sử dụng như lập nhiều tài khoản Facebook và chạy quảng cáo, một số đối tượng còn livestream (phát trực tiếp), có thể chốt hàng trăm đơn mỗi ngày - Ảnh minh họa
Ông Nguyễn Đức Lê, Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ (Tổng cục Quản lý thị trường) cho biết, các thủ đoạn được các đối tượng sử dụng như lập nhiều tài khoản Facebook và chạy quảng cáo, ảnh chụp sản phẩm tương đối chuyên nghiệp và không có địa chỉ, số điện thoại hoặc địa chỉ chung chung, khi khách hàng hỏi thì chỉ nhận inbox (nhắn tin riêng). Thậm chí, một số đối tượng còn livestream (phát trực tiếp), có thể chốt hàng trăm đơn mỗi ngày.
Hơn nữa mô hình TMĐT không chỉ ở một nơi, mà đa quốc gia, lãnh thổ, lĩnh vực. Vì vậy, việc đấu tranh chống hàng lậu, hàng giả, xâm phạm bản quyền sẽ gặp nhiều khó khăn trên không gian mạng.
Đơn cử như vụ thu giữ ở Thanh Hóa hồi tháng 4/2022, đối tượng sử dụng 2-3 địa điểm, nơi bán hàng riêng, nơi livestream riêng và kho lại ở một chỗ khác. Trong khi rất khó tiếp cận các địa điểm này vì đối tượng ở khu vực quân sự có đơn vị chức năng bảo vệ, ra vào rất khó khăn. Hoặc đối tượng sử dụng nhà riêng là nơi tập kết hàng, muốn khám nhà ở là nơi cất giấu theo luật phải có quyết định của chủ tịch UBND cấp quận, huyện.
Xử lý nghiêm sai phạm và kiểm soát chặt nguồn gốc hàng hoá
Tổng cục Quản lý thị trường dự báo, trong 2-3 năm tới, tỉ lệ gian lận trên TMĐT sẽ chiếm từ 50-60% so với tổng thể các hình thức gian lận thương mại nói chung.
Để triệt tận gốc và xử lý nghiêm những trường hợp bán hàng kém chất lượng tràn lan trên các chợ online hiện nay, theo bà Nguyễn Thị Minh Huyền, phải kiểm soát được nguồn gốc, xuất xứ của hàng hóa; hàng hóa được làm giả ngay tại Việt Nam hay nhập khẩu… Bà Huyền cũng cho rằng, đây không phải công việc riêng Bộ Công Thương, mà cần sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cơ quan như công an, bộ đội biên phòng, hải quan, Bộ TT&TT, cùng các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành.
Cục TMĐT và Kinh tế số đang phối hợp với Tổng cục Quản lý thị trường xây dựng "Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong TMĐT giai đoạn 2021-2025" với nhiều nội dung và giải pháp đồng bộ, có sự vào cuộc của các đơn vị liên quan.
Một vấn đề khác hiện nay, theo bà Huyền là việc khiếu nại với sàn TMĐT còn bất cập, do khi xảy ra khiếu nại, khách hàng thường không được sàn giải quyết, hoặc nếu có giải quyết thì rất chậm. Bởi vậy, nếu các sàn TMĐT làm tốt hơn khâu này sẽ đảm bảo tiêu chí vừa bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và chung tay chống hàng hóa nhập lậu, hàng kém chất lượng.
Theo Kế hoạch đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ giai đoạn 2021-2025 (Kế hoạch 888), Tổng cục Quản lý thị trường đặt mục tiêu cụ thể hàng năm để đấu tranh chống hàng giả, xâm phạm bản quyền hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ không những ở thương mại truyền thống mà cả không gian TMĐT.
Ngoài ra, Tổng cục Quản lý thị trường cũng kết hợp với các cơ quan chức năng trao đổi thường xuyên hơn thông tin về hàng giả hàng nhái; kết hợp các hiệp hội, cơ quan báo chí để xử lý và ngăn chặn những vi phạm, tạo môi trường lành mạnh cho doanh nghiệp chân chính và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Về việc quảng cáo, bán hàng giả, hàng nhái trên các nền tảng xuyên biên giới, hiện nay, Bộ TT&TT đang hoàn thiện, xin ý kiến về Dự thảo sửa đổi Nghị định số 181/2013/NĐ-CP.
Trong đó, Bộ TT&TT đề xuất bỏ quy định các tổ chức, doanh nghiệp muốn quảng cáo trên các nền tảng xuyên biên giới phải thông qua người kinh doanh dịch vụ quảng cáo. Bỏ quy định trước khi quảng cáo 15 ngày, tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan quản lý có thẩm quyền thông tin của người kinh doanh dịch vụ quảng cáo Việt Nam. Bổ sung trách nhiệm của tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới...
Những quy định này được kỳ vọng sớm được ban hành nhằm làm “sạch” các nền tảng quảng cáo xuyên biên giới, giúp thị trường quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam phát triển lành mạnh.
Gửi phản hồi
In bài viết