Ảnh minh họa.
Loại bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng
Theo đó, với mặt hàng xăng, VCCI cho rằng, mặt hàng này hiện đang phải chịu hai loại thuế có cùng tính chất hạn chế tiêu dùng là thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường. Xăng lại không phải mặt hàng xa xỉ và trong nước có thể tự sản xuất được nên việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng cũng là nhằm bảo vệ môi trường.
Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng. Trong trường hợp cần thiết thì điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường cho phù hợp với mục tiêu của loại thuế này.
Bộ Tài chính hiện đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép dừng xây dựng dự án nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng và thuế giá trị gia tăng với xăng dầu. Bộ Tài chính nhấn mạnh thuế tiêu thụ đặc biệt là loại thuế được thu vào các hàng hóa, dịch vụ mà Nhà nước không khuyến khích tiêu dùng, hoặc cần tiêu dùng tiết kiệm, điều tiết thu nhập.
Trong khi đó, xăng là nhiên liệu gốc hóa thạch, không tái tạo, cần phải sử dụng tiết kiệm nên hầu hết các nước đều thu thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng. Vì vậy, Bộ Tài chính cho rằng quy định này là phù hợp với mục tiêu của thuế tiêu thụ đặc biệt, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Cần đánh giá kỹ tác động của đồ uống có đường và không cồn
Ngoài mặt hàng xăng, VCCI cũng kiến nghị Bộ Tài chính đánh giá tác động kỹ hơn đối với việc bổ sung đồ uống có đường vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. VCCI cho rằng, đề xuất này cần được thuyết minh kỹ hơn bằng các số liệu cụ thể về dự kiến mục tiêu giảm thừa cân béo phì tương ứng với mỗi mức thuế suất.
Bởi nếu đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đồ uống có đường (được hiểu là đồ uống đóng chai công nghiệp) có thể sẽ khiến người tiêu dùng dịch chuyển sang sử dụng các loại đồ uống có đường khác được sản xuất thủ công như nước giải khát tự pha đóng chai, đóng vào cốc mang về (như trà sữa, cà phê mang đi…). Điều này có thể khiến mục tiêu ban đầu của chính sách không đạt được hiệu quả.
Về việc này, Bộ Tài chính cho biết, việc bổ sung đồ uống có đường vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt với lý do để bảo vệ sức khỏe người dân chống lại tình trạng thừa cân, béo phì và các bệnh không lây nhiễm như tim mạch, đái tháo đường. Đề xuất này dựa trên nhiều nghiên cứu trên thế giới về mối liên hệ giữa đồ uống bổ sung đường và tình trạng thừa cân béo phì.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp cho rằng, đề xuất này chưa cân nhắc đến một số đặc thù riêng của Việt Nam khi theo thống kê của WHO, tỷ lệ thừa cân béo phì của Việt Nam thuộc nhóm thấp nhất thế giới; đồ uống có đường chỉ đóng góp một phần rất nhỏ về lượng calo trong khẩu phần ăn của người dân Việt Nam so với các nước khác.
Ngoài ra, Bộ Tài chính đưa ra lý do để đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với thức uống đại mạch và đồ uống không cồn vì những sản phẩm này có quy trình sản xuất và nguyên liệu giống với mặt hàng bia, hình thức bề ngoài của sản phẩm giống bia, vẫn có mùi vị đặc trưng như bia, chỉ khác tên gọi, giá bán xấp xỉ như nhau nên có thể coi là sản phẩm tương tự bia không cồn.
Trong văn bản góp ý, VCCI đề xuất Bộ Tài chính loại bỏ thức uống đại mạch và nước giải khát không cồn ra khỏi diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. VCCI cho rằng, dự thảo không chỉ ra bất kỳ tác động tiêu cực đến xã hội hay tính xa xỉ của việc tiêu thụ loại đồ uống này. Việc thức uống đại mạch giống bia, nhưng không có cồn, không thể được coi là lý do để đánh thuế.
Bởi đây là loại đồ uống có tác dụng thay thế bia, nhưng lại không có cồn nên không gây những tác động tiêu cực như khi lạm dụng các đồ uống có cồn khác (ảnh hưởng sức khỏe, tai nạn giao thông, bạo lực gia đình…). Chính vì tác dụng thay thế bia như vậy, nên nếu đánh thuế loại đồ uống này, vô hình trung sẽ khiến người tiêu dùng chuyển hướng sang sử dụng nhiều bia hơn, gây thêm nhiều tác động tiêu cực.
Chưa đưa game online vào danh sách đánh thuế tiêu thụ đặc biệt
Đối với game online, VCCI đề xuất chưa bổ sung dịch vụ này vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt vì cho rằng, lý do áp thuế cùng cách thực hiện khó khả thi khi Bộ Tài chính cho rằng dịch vụ game online có doanh thu lớn, lợi nhuận cao so với loại hình kinh doanh khác, thu hút mọi độ tuổi, giới trẻ tham gia.
Nhưng VCCI nhận xét, lý do này chưa hợp lý, không nêu được cụ thể tác động của việc chơi game online và việc sử dụng căn cứ là doanh thu, lợi nhuận, nhóm khách hàng để đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với một loại hàng hoá, dịch vụ là không thỏa đáng.
Theo VCCI, game online có cả tác động tích cực lẫn tiêu cực đến sức khỏe con người, xã hội. Có nhiều nghi ngại về tác động tiêu cực của trò chơi này tới trẻ em, nhưng cũng không ít ý kiến cho rằng chơi game giúp trẻ phát triển trí tưởng tượng, tư duy logic, tạo các nhóm sở thích giao tiếp xã hội nếu chơi có sự kiểm soát của cha mẹ với thời gian chơi hợp lý, khoa học.
Do đó, game cũng giống như các hình thức giải trí khác, tác động tích cực hay tiêu cực phụ thuộc nhiều vào nội dung từng trò chơi, mục đích sử dụng. Khi khó phân loại nội dung game, việc áp thuế dễ dẫn đến đánh thuế cả vào những trò chơi có nội dung trí tuệ, giáo dục, thể thao, nghệ thuật.
Chưa kể, việc đánh thuế với game online cũng không khả thi do khó khăn trong xác định đối tượng, người nộp thuế và doanh thu tính thuế. Với đối tượng chịu thuế, sẽ khó phân biệt trò chơi trực tuyến với các phần mềm, ứng dụng máy tính khác.
Bên cạnh đó, người nộp thuế gồm nhiều nhà cung cấp dịch vụ xuyên biên giới khiến việc kê khai và nộp thuế gặp khó khăn. Nếu không có biện pháp hữu hiệu, việc đánh thuế này sẽ mang tính "bảo hộ ngược", tức tác động đến các game online phát hành trong nước mà thiếu kiểm soát trò chơi nước ngoài phát hành tại Việt Nam.
Gửi phản hồi
In bài viết