Mùa vàng trên cánh đồng Mường Than (Than Uyên) thu hút đông du khách yêu thiên nhiên.
Đồng bào các dân tộc ở một số địa phương miền núi phía bắc như Mộc Châu (Sơn La), Than Uyên (Lai Châu)… có truyền thống mở hội mừng Quốc khánh 2/9 với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao mà họ gọi là Tết Độc lập, coi đây là sự kiện quan trọng như dịp Tết cổ truyền đón năm mới.
Theo những vị cao niên ở Than Uyên, người H’Mông, Dao, Thái, Khơ Mú... đã duy trì tổ chức Tết Độc lập trong cộng đồng từ thế hệ trước, sau khi huyện Than Uyên được giải phóng. Đối với họ, Tết Độc lập là dịp để những người đi xa thu xếp trở về quê nhà, sum họp gia đình và tham gia các sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Các thanh niên nam, nữ thì ra quân dọn dẹp và trang trí đường phố, cùng tập văn nghệ, trò chơi dân gian để đến hội giao lưu.
Ngay cả những đứa trẻ cũng được sắm quần áo đẹp mới, được thầy, cô giáo ở trường giảng giải về ý nghĩa thiêng liêng của ngày 2/9 đối với người Việt Nam. Tết Độc lập ở Than Uyên không chỉ gắn kết mọi cộng đồng các dân tộc nơi đây mà còn có cả nhân dân các vùng lân cận như Lào Cai, Yên Bái, Sơn La… đến chung vui, thưởng thức ẩm thực, trao đổi hàng hóa.
Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, dịp kỷ niệm Quốc khánh hằng năm tại Than Uyên được chính quyền địa phương phối hợp ngành văn hóa cùng người dân triển khai thành Tuần văn hóa-Du lịch, Ngày hội Văn hóa-Thể thao các dân tộc… đậm đà bản sắc và hấp dẫn du khách gần xa.
Hình ảnh vòng xòe đoàn kết khổng lồ và rực rỡ trong các dịp Tết Độc lập ở Than Uyên là một trong những điểm nhấn gây ấn tượng, tạo nên thương hiệu. Năm 2022, vòng xòe đã thu hút hơn 1.500 người tham dự và năm 2023 là khoảng 2.000 người.
Du khách được đắm mình trong không khí phấn khởi, tự hào và trải nghiệm những nét văn hóa độc đáo của 10 dân tộc anh em sinh sống trên địa bàn. Trước đây, người dân các xã Mường Kim, Ta Gia, Tà Mung, Pha Mu xuống được khu chợ trung tâm huyện phải mất vài giờ đồng hồ, thì nay đường nông thôn mới rải nhựa đã kết nối đến từng bản nhỏ, rút ngắn thời gian chạy xe máy chỉ còn 30 phút.
Đến với Than Uyên vào những ngày này, du khách muốn tìm hiểu lịch sử và bày tỏ lòng tri ân thường đến tham quan các di tích quan trọng như: bản Lướt (xã Mường Kim) - căn cứ hoạt động của Ban cán sự Đảng đầu tiên, tiền thân của Đảng bộ tỉnh Lai Châu; đèo Khau Cọ (xã Mường Than) - nơi năm xưa nghĩa quân Mường Lay, Mường Khoa chiến đấu anh dũng chống thực dân Pháp…
Bên cạnh đó, Than Uyên có hệ thống hang động không chỉ đẹp kỳ vĩ mà còn mang ý nghĩa lớn về mặt khoa học địa chất, khảo cổ. Chẳng hạn như quần thể hang động Bản Mè (xã Ta Gia), hang Tà Mung (xã Tà Mung), hang Thẳm Đán Chể (xã Mường Kim)…
Không ít đoàn khách sau khi tham dự lễ hội đã tiếp tục ở lại và bước vào hành trình khám phá, trải nghiệm phong cảnh của một góc dãy núi Hoàng Liên Sơn, của cánh đồng Mường Than trù phú đứng thứ ba miền Tây Bắc, của dòng sông Nậm Mu trong xanh mênh mông. "Nhất Thanh, nhì Lò, tam Than, tứ Tấc", Mường Than (Than Uyên) chính là địa danh thứ ba trong câu nói nổi tiếng về những vựa lúa lớn nhất Tây Bắc.
Do nằm giữa thung lũng thoai thoải, cánh đồng Mường Than không nhiều bậc thang mà trải rộng ngút ngàn. Trong nắng thu vàng, những vạt lúa đang chín dần cũng bừng lên sắc màu của mùa vàng. Vẻ đẹp của thiên nhiên cùng sức lao động của con người khiến cánh đồng Mường Than trở thành nguồn cảm hứng cho các họa sĩ, nhiếp ảnh gia tìm đến sáng tác.
Còn với các du khách, thật hoàn hảo khi check-in với lúa vàng, trời xanh, mây trắng và được nếm thử và mua về món đặc sản gạo Séng Cù dẻo thơm hiếm có. Than Uyên còn có nhiều sông suối, riêng dòng Nậm Mu được tận dụng khai thác thủy điện đã tạo nên cảnh quan hồ trên núi thơ mộng, mát mẻ. Du lịch lòng hồ thủy điện là một trải nghiệm mới nhưng nhanh chóng được du khách yêu thích. Có thể kể đến làng cá Thẩm Phé hay vịnh Pá Khôm, nơi đã có tương đối đầy đủ dịch vụ như đi thuyền tham quan hồ, ăn uống, chụp ảnh, chèo xuồng…
Mặc dù du lịch đang phát triển và góp phần vào sự đổi thay ở Than Uyên, nhưng những giá trị văn hóa đáng quý và sự thân thiện, chân thành, mến khách của người dân vẫn được giữ gìn và phát huy. Hình thức lưu trú phổ biến nhất là homestay, nơi khách được cùng ăn, ở với gia chủ và đôi khi được họ trực tiếp hướng dẫn tham quan, trải nghiệm.
Ẩm thực địa phương đa dạng, tươi ngon, đậm đà cũng là một trong những bí quyết "hớp hồn" du khách. Người H’Mông giỏi chế biến thịt lợn, nấu rượu; người Thái nổi tiếng với các món cá được tẩm ướp cầu kỳ; người Dao sáng tạo ra nhiều loại bánh thơm ngon… Nếu hứng thú với ẩm thực và trang phục truyền thống các dân tộc, du khách không nên bỏ qua các phiên chợ sắc màu. Chợ huyện Than Uyên, chợ phiên Nậm Pắt (xã Tà Mung), chợ đêm Ta Gia… không chỉ là nơi mua bán hàng hóa mà còn mang đến không gian kết nối các cộng đồng, nơi người dân gặp gỡ, thư giãn. Xuống chợ còn là dịp để những người phụ nữ xúng xính trang phục thổ cẩm sặc sỡ, trang sức lung linh, khoe nét đẹp của dân tộc mình.
Về Than Uyên dù đúng dịp Tết Độc lập hay là một ngày khác, du khách cũng vẫn có nhiều lựa chọn từ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, du lịch ẩm thực, du lịch mạo hiểm-khám phá…
Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lai Châu, năm 2022 huyện Than Uyên đón hơn 94.300 lượt khách tham quan trong nước và quốc tế, con số ấn tượng đối với một địa phương miền núi khi du lịch khôi phục sau dịch bệnh. Và không khó để nhận ra bản sắc văn hóa đặc trưng, khối đại đoàn kết các dân tộc chính là thế mạnh của Than Uyên trong phát triển du lịch, quảng bá hình ảnh đất và người Than Uyên nói riêng, tỉnh Lai Châu nói chung.
Gửi phản hồi
In bài viết