Vi khuẩn Salmonella - thủ phạm gây ngộ độc thực phẩm

Vi khuẩn Salmonella (vi khuẩn thương hàn) là thủ phạm gây ra nhiều vụ ngộ độc thực phẩm có quy mô lớn. Mới đây, theo kết quả phân lập mẫu bệnh phẩm, hàng trăm học sinh ở Trường iSchool (Nha Trang) cũng bị ngộ độc thực phẩm là do loại vi khuẩn này.

Vi khuẩn Salmonella lây lan như thế nào?

Năm 2018, tại Đông Anh (Hà Nội) đã xảy ra vụ việc trên 200 trẻ mầm non cùng hai giáo viên bị ngộ độc thực phẩm sau khi tổ chức liên hoan. Kết quả xét nghiệm cho thấy, các bệnh nhân dương tính với vi khuẩn Salmonella type 2. Cũng trong năm 2018, có tới 300 người bị ngộ độc thực phẩm do vi khuẩn Salmonella sau một đám cưới ở tỉnh Sơn La.

Vi khuẩn Salmonella có thể tìm thấy trong nhiều loại thực phẩm, bao gồm thịt gà, thịt bò, thịt lợn, trứng, trái cây, rau, hải sản... Ngoài ra, khuẩn Salmonella được tìm thấy ở nhiều loại thực phẩm chế biến sẵn, chẳng hạn như bơ hạt, bánh nướng đông lạnh, cánh gà chiên...

Tuy nhiên, thực phẩm không phải là con đường duy nhất mà vi khuẩn Salmonella lây sang người. Vi khuẩn này cũng có thể lây lan qua nước bị ô nhiễm, môi trường, qua người và động vật. Vi khuẩn có thể lây lan qua dao, bề mặt cắt hoặc dụng cụ xử lý thực phẩm bị nhiễm.

Sử dụng thớt và đĩa riêng khi chế biến đồ sống và đựng thức ăn chín để tránh nhiễm khuẩn Salmonella.

Biểu hiện của người nhiễm khuẩn Salmonella là nôn ói, tiêu chảy, đau bụng, sốt..., có thể khởi phát 1 - 3 ngày sau khi nhiễm. Trong đó, triệu chứng nghiêm trọng nhất là mất nước và các muối, khoáng chất cần thiết. Trẻ sơ sinh, người lớn tuổi và những người bị suy giảm hệ thống miễn dịch hoặc bệnh mạn tính có thể bị mất nước nghiêm trọng, dẫn đến tử vong.

Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, lợi vi khuẩn này có thể tồn tại trong nước từ hai đến ba tuần, trong phân từ hai đến ba tháng. Trong nước đá, Salmonella sống được đến ba tháng, chúng chỉ bị hủy bởi nhiệt độ 50oC trong vòng một giờ hoặc 100oC trong 5 phút, hoặc có thể bị tiêu diệt bởi các chất sát khuẩn thông thường.

Phòng tránh biến chứng nguy hiểm

Vi khuẩn Salmonella là nguyên nhân gây bệnh thương hàn, loại trực khuẩn này cũng là nguyên nhân phổ biến gây bệnh đường tiêu hóa do thức ăn bị nhiễm khuẩn. PGS.TS Bùi Khắc Hậu (Đại học Y Hà Nội) cho biết: “Các biến chứng nguy hiểm nhất của bệnh thương hàn là chảy máu đường ruột, thủng ruột hoặc nhiễm khuẩn huyết. Việc bị chảy máu đường ruột hoặc thủng ruột, hoặc cả hai, cần được phát hiện sớm và cấp cứu kịp thời, nếu không có thể bị tử vong.

Các biến chứng do mắc bệnh thương hàn thường xảy ra vào tuần thứ ba của bệnh, mặc dù tỷ lệ biến chứng nguy kịch không cao (khoảng 5%) nhưng nếu chảy máu với số lượng nhiều thì sẽ làm tụt huyết áp gây sốc, có thể tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.

Khi ruột bị thủng sẽ gây viêm phúc mạc cấp tính, nếu không phát hiện sớm và phẫu thuật kịp thời thì có thể bị sốc nhiễm khuẩn, nhiễm độc, tính mạng người bệnh có thể bị đe dọa hoặc hậu quả để lại có thể xấu như gây dính ruột về sau. Ngoài ra, người bệnh còn có thể bị viêm cơ tim, viêm phổi, viêm tụy tạng và gây nhiễm khuẩn một số cơ quan khác (bàng quang, thận, màng não, tủy sống, viêm khớp, viêm xương...)

Trong trường hợp vi khuẩn thương hàn vào máu gây nhiễm khuẩn huyết với bệnh cảnh lâm sàng rất nặng, nếu không nhập viện sớm, không có biện pháp xử trí kịp thời thì tính mạng người bệnh rất dễ bị đe dọa.

Bệnh thương hàn lây theo đường ăn uống, qua thức ăn, nước uống, thực phẩm bị nhiễm vi khuẩn thương hàn. Vì vậy, việc vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm là hết sức cần thiết. Để phòng tránh loại vi khuẩn này, cần ăn chín, uống sôi.

Trong quá trình chế biến, nên lưu ý để riêng thịt sống, hải sản và trứng với các thực phẩm khác trong giỏ hàng tạp hóa và trong tủ lạnh. Đặc biệt, cần sử dụng thớt và đĩa riêng cho nông sản và thịt sống, thịt gia cầm, hải sản và trứng. Người tham gia chế biến cần thường xuyên rửa sạch tay với xà phòng, nhất là trước khi ăn, chế biến thức ăn, sau khi đi vệ sinh; dùng nước nóng, xà phòng để rửa đồ dùng, thớt và các bề mặt vật dụng. Chú ý là không đặt thức ăn đã nấu chín lên đĩa trước đó đã dùng để đựng trứng sống, thịt, hải sản hoặc phần nước tiết ra của chúng...

Ngoài ra, không để chất thải từ người bệnh vương vãi; nên dùng chất sát khuẩn mạnh (vôi bột, cloraminB) để hạn chế sự ảnh hưởng của chất thải người bệnh đối với môi trường, nhất là ở các vùng nông thôn, miền núi.

Theo Hà Nội Mới

Tin cùng chuyên mục