Lãnh đạo FPT chia sẻ với báo chí về việc cơ hội, tiềm năng kinh doanh các dịch vụ công nghệ thông tin tại thị trường nước ngoài.
Theo ông Phạm Minh Tuấn, Việt Nam có lợi thế về nguồn lực đông đảo, có vị trí gần các nước phát triển nhất của khu vực. Đặc biệt, Việt Nam hiểu biết, đồng điệu về văn hóa và cố gắng hòa nhập với văn hóa bản địa. Đó cũng là lý do thời gian qua, FPT liên tiếp mở thêm các văn phòng kinh doanh tại khu vực châu Á.
“Việc mở chi nhánh tại Đại Liên, sau các chi nhánh tại Thượng Hải, Nam Ninh (Trung Quốc), giúp FPT tiếp cận, tuyển dụng nguồn nhân lực công nghệ bản địa dồi dào. Ước tính, số lượng nhân sự công nghệ thành thạo tiếng Nhật tại Đại Liên lên tới 200.000 người”, ông Phạm Minh Tuấn nói.
Tại các thị trường nước ngoài, FPT chọn hợp đồng phù hợp với năng lực, chiến lược phát triển của công ty. Hiện tại, giá trị hợp đồng FPT Software ký được thời điểm này tăng 10 lần so với năm 2018.
80% khách hàng hiện nay ký hợp đồng trị giá hàng triệu USD. Việc nâng giá trị hợp đồng cũng đồng thời đòi hỏi doanh nghiệp phải nâng tầm chuyên gia để đáp ứng nhu cầu.
Theo phân loại Gartner, FPT Software hiện thuộc top 150 công ty dịch vụ công nghệ thông tin (IT Service) lớn nhất thế giới. Hiện, công ty đang hướng đến mục tiêu trong top 50, với doanh thu 5 tỷ USD vào năm 2030.
Cũng trong chiến lược phát triển, FPT đặt mục tiêu cân bằng về doanh thu tại các thị trường để không phụ thuộc quá nhiều vào 1 thị trường. Năm 2023, các thị trường của FPT có tỷ trọng từ 7% đến 38%, như: Nhật Bản chiếm 38%, Mỹ chiếm 29%, khu vực châu Á -Thái Bình Dương là 25%, châu Âu 7%.
Gửi phản hồi
In bài viết