Theo phóng viên TTXVN tại Ottawa, chuyến công tác này do Bộ các vấn đề toàn cầu Canada tổ chức thông qua Cơ chế triển khai chuyên gia cho thương mại và phát triển (EMD) dành cho Cục sở hữu trí tuệ Việt Nam (IP Việt Nam) cùng một số bộ, ngành khác.
Canada đã cam kết hỗ trợ tập huấn, giúp cán bộ, chuyên gia của các bộ, ngành Việt Nam thông qua 11 hợp phần đào tạo cho Bộ Công thương, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn... Đây là hợp phần liên quan tới nâng cao năng lực quản lý sở hữu trí tuệ dành cho Bộ Khoa học Công nghệ Việt Nam.
Trao đổi với phóng viên TTXVN, ông Lê Huy Anh, Phó Cục trưởng Cục sở hữu trí tuệ Bộ Khoa học Công nghệ, Trưởng đoàn công tác, cho biết nội dung trao đổi tập huấn lần này, ngoài những vấn đề chung, có bốn nội dung chính được đi sâu trao đổi, nghiên cứu là thẩm định và bảo hộ nhãn hiệu phi truyền thống (nhãn hiệu âm thanh), công tác thực thi quyền sở hữu trí tuệ, công tác lập kế hoạch, quản trị và quản lý tài chính của cơ quan sở hữu trí tuệ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
Ông Lê Huy Anh cho rằng hoạt động bảo hộ sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu âm thanh là nội dung còn mới đối với Việt Nam. Vấn đề quản lý tài chính của cơ quan sở hữu trí tuệ quốc gia theo mô hình của Canada cũng là vấn đề đáng quan tâm và có thể nghiên cứu áp dụng phù hợp với điều kiện trong nước.
Cơ quan sở hữu trí tuệ Canada (CIPO) là đơn vị thuộc Bộ Đổi mới sáng tạo, Khoa học và Phát triển kinh tế Canada. CIPO được vận hành gần giống mô hình doanh nghiệp, tự chủ và độc lập về tài chính. Số lượng cán bộ, nhân viên của cơ quan này vào khoảng hơn 1.000 người và có doanh thu hơn 200 triệu CAD năm 2022. Mô hình hoạt động này tạo điều kiện cho CIPO phát triển rộng về quy mô, đồng thời đảm bảo chất lượng, hiệu quả phục vụ xã hội cũng như tăng cường mức độ gắn kết giữa cơ quan sở hữu trí tuệ với doanh nghiệp.
Ông Hoàng Ngọc Đỉnh, Trưởng đại diện Khoa học Công nghệ Việt Nam tại Canada cho phóng viên TTXVN biết Canada là một trong những quốc gia có trình độ khoa học công nghệ phát triển, với các quy định về sở hữu trí tuệ rất chặt chẽ. Việc hợp tác với CIPO là cơ hội để Việt Nam nâng cao năng lực bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ, đồng thời có thể hỗ trợ hiệu quả các địa phương, doanh nghiệp thích ứng và tuân thủ tốt hơn các vấn đề về sở hữu trí tuệ trong tương lai.
Theo ông Hoàng Ngọc Đỉnh, để triển khai CPTPP trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, Canada đã cam kết giúp Việt Nam cải thiện năng lực liên quan tới vấn đề này thông qua phối hợp xây dựng các bộ tài liệu hướng dẫn doanh nghiệp Việt Nam thực hiện cam kết theo CPTPP và hướng dẫn thực thi Hiệp định Budapest về nộp lưu chủng vi sinh.
Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị quyết số 48/NQCP và Kế hoạch liên ngành số 3926/KH về hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý ở nước ngoài cho sản phẩm xuất khẩu chủ lực để góp phần xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm của Việt Nam ở nước ngoài.
Chuyến công tác này cũng là để chuẩn bị cho Việt Nam tham gia các nội dung đàm phán đối với Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa ASEAN và Canada trong vấn đề sở hữu trí tuệ. Đây cũng là cơ sở để Việt Nam nâng cao năng lực thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong nước, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.
Ông Lê Huy Anh chia sẻ hiện nay IP Việt Nam và CIPO đã thống nhất việc xúc tiến ký kết biên bản ghi nhớ vào năm 2024 để triển khai các nội dung hợp tác trên lĩnh vực sở hữu trí tuệ. Việt Nam cũng sẽ xem xét và thúc đẩy việc ký thỏa thuận công nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý lẫn nhau nhằm giảm bớt gánh nặng cho các chủ thể hai nước trong việc đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý ở Canada và Việt Nam.
Năm 2020 và 2021, Canada đã triển khai hỗ trợ Cục Bản quyền Việt Nam (COV) về nội dung thực hiện cải cách hành chính và thi hành luật sở hữu trí tuệ, cải thiện hiệu quả thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực quyền tác giả và quyền liên quan, nâng cao nhận thức của công chúng về sở hữu trí tuệ. Năm 2023, sự hỗ trợ của Canada tập trung vào nội dung nâng cao nhận thức của công chúng Việt Nam về thủ tục đăng ký nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý tại các thị trường trọng điểm của CPTPP là Canada, Nhật Bản, Australia và New Zealand.
Gửi phản hồi
In bài viết