Việt Nam kêu gọi nỗ lực giải quyết các thách thức về kinh tế và nhân đạo ở Libya

Đại sứ Phạm Hải Anh kêu gọi các bên liên quan tiếp tục tuân thủ đầy đủ Thỏa thuận ngừng bắn, thúc đẩy tiến trình chuyển tiếp tiến tới bầu cử và nỗ lực giải quyết các thách thức về kinh tế và nhân đạo ở Libya, trong đó có việc bảo vệ dân thường trước các rủi ro về vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh.

Chiều 17/5, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ) đã tổ chức họp trực tuyến công khai về tình hình tại Libya.

Cuộc họp có sự tham dự của bà Fatou Bensouda, Công tố viên Tòa án Hình sự quốc tế (ICC) và Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Libya tại LHQ.

Tại phiên họp, các nước thành viên HĐBA hoan nghênh những tiến triển tích cực về chính trị và an ninh tại Libya trong thời gian qua, kêu gọi các bên liên quan ở Libya tiếp tục thực thi đầy đủ Thỏa thuận ngừng bắn ngày 23/10/2020 và chuẩn bị cho bầu cử vào cuối năm 2021.

Một số nước bày tỏ ủng hộ hoạt động của Công tố viên ICC trên cơ sở Nghị quyết 1970 (2011) của HĐBA và kêu gọi Chính phủ lâm thời mới được thành lập của Libya (Chính phủ Đoàn kết Dân tộc) và các nước liên quan hợp tác với ICC.

Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Libya nhấn mạnh cam kết của Chính phủ mới của Libya trong việc thúc đẩy tiến trình chuyển tiếp hướng tới bầu cử vào cuối năm, đồng thời khẳng định việc bảo đảm công lý là vấn đề thuộc chủ quyền và thẩm quyền của quốc gia và các cơ quan chức năng Libya có đầy đủ năng lực tư pháp.

Ông cũng nhấn mạnh Chính phủ lâm thời cam kết thực thi đầy đủ các nghị quyết của HĐBA liên quan đến Libya, trong đó có Nghị quyết 1970.

Phát biểu tại cuộc họp, Đại sứ Phạm Hải Anh, Phó Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ đánh giá cao các tiến triển quan trọng ở Libya kể từ đầu năm 2021 đến nay, đặc biệt là việc các bên ở Libya đạt Thỏa thuận ngừng bắn và thành lập Chính phủ Đoàn kết Dân tộc.

Đại sứ kêu gọi các bên liên quan tiếp tục tuân thủ đầy đủ Thỏa thuận ngừng bắn, thúc đẩy tiến trình chuyển tiếp tiến tới bầu cử và nỗ lực giải quyết các thách thức về kinh tế và nhân đạo ở Libya, trong đó có việc bảo vệ dân thường trước các rủi ro về vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh.

Phó Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ nhấn mạnh quốc gia có trách nhiệm hàng đầu trong việc bảo đảm tuân thủ luật nhân đạo quốc tế, ngăn ngừa và trừng trị các loại tội phạm hình sự nghiêm trọng.

Đại sứ cho rằng việc truy cứu trách nhiệm vi phạm luật nhân đạo quốc tế, tội phạm hình sự nghiêm trọng cần được tiến hành phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, trong đó có về tôn trọng độc lập, chủ quyền quốc gia.

Cũng trong ngày 17/5, theo sáng kiến của Trung Quốc, Ai Cập, Kenya, Mexico, Nam Phi và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), các nước thành viên HĐBA và 25 nước thành viên LHQ khác đã họp theo thể thức Arria để trao đổi về tác động của công nghệ mới đối với hòa bình, an ninh quốc tế.

Phát biểu tại phiên họp, Đại sứ Phạm Hải Anh khẳng định, công nghệ mới giúp nhân loại đạt nhiều tiến bộ, thúc đẩy hợp tác, phát triển, góp phần giải quyết các vấn đề toàn cầu bức bách hiện nay như biến đổi khí hậu, năng lượng tái tạo, chống dịch bệnh, khủng bố và bảo đảm an ninh lương thực.

HĐBA đã sử dụng hiệu quả công nghệ mới như thiết bị bay không người lái (UAV) để bảo vệ dân thường, bảo đảm an ninh, an toàn cho lực lượng gìn giữ hòa bình ở CHDC Congo, CH Trung Phi, Mali cũng như trong việc điều tra tội phạm của ISIL (Da’esh) ở Iraq và bảo vệ các nạn nhân.

Đại sứ Phạm Hải Anh nhấn mạnh, việc nghiên cứu, phát triển, sử dụng công nghệ mới phải vì hòa bình, phát triển của nhân loại, phù hợp với luật pháp quốc tế, Hiến chương LHQ và quan tâm thỏa đáng đến lợi ích của các nước đang phát triển.

Phó Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ cho rằng, cần có cách tiếp cận toàn diện, tổng thể, minh bạch và xây dựng trong vấn đề này tại tất cả các diễn đàn LHQ, kể cả khía cạnh khuôn khổ pháp lý điều chỉnh các công nghệ mới.

Theo Chinhphu.vn

Tin cùng chuyên mục