Tiến Linh ăn mừng bàn thắng vào lưới Malaysia ở trận lượt về vòng loại thứ hai World Cup 2022. (Ảnh: VFF)
Có thể nói, Malaysia là đối thủ mang đến niềm vui cho đội tuyển Việt Nam. Ở lần vô địch đầu tiên, Công Vinh và các đồng đội đã đánh bại “Bầy hổ Malaya” trong trận cầu kịch tính tại Phuket (3-2, vòng bảng AFF Cup 2008). Tất nhiên rồi, không ai có thể quên đêm chung kết rực rỡ ở Mỹ Đình (AFF Cup 2018), khi cú volley của Anh Đức đã đưa cả đất nước hình chữ S vào cuộc vui bất tận.
Nhưng cũng đừng quên, chính cái tên Malaysia cũng gợi nhớ những ký ức đau buồn năm 2010, 2014. Điều tồi tệ là cả 2 lần chúng ta tưởng như cầm chắc chiến thắng, cho đến khi những sai lầm xảy ra và bàn thua liên tiếp đến. Đó là khoảng thời gian mà tâm lý thi đấu là vấn đề lớn với các tuyển thủ Việt Nam. Sức ép làm họ vụn vỡ và kỳ vọng lớn khiến họ đánh mất mình.
Trong khi đó, Malaysia luôn là đối thủ khó chơi. Họ là một đội bóng được tổ chức tốt, nhiều chiêu trò và giàu tính chiến đấu. “Bầy hổ Malaya” cũng thích chơi dưới áp lực, chấp nhận thể cửa dưới sau đó bật lên và tạo ra kết quả gây sốc. Cho đến nay, việc Malaysia vô địch AFF Cup 2010 vẫn là một trong những bất ngờ lớn nhất của giải đấu. Và ở bán kết giải đấu cách đây 3 năm, họ gây kinh ngạc khi vượt qua Thái Lan ngay tại Bangkok.
Sự quật cường của Malaysia tiếp tục được thể hiện trong trận chung kết lượt đi. Việt Nam dẫn trước 2 bàn nhưng trong tiếng hò reo cổ vũ cuồng nhiệt của các Ultras Malaya tại Bukit Jalil, họ vẫn có thể rời sân với kết quả hòa.
Đó là lý do đừng bao giờ đánh giá thấp Malaysia. Ở AFF Cup lần này, HLV Tan Cheng Hoe không thể triệu tập những ngôi sao nhập tịch vì lý do chấn thương. Dàn cầu thủ có độ tuổi trung bình cao (ở trận mở màn với Campuchia là 28,7, với 5 người đã qua mốc 30) lại vừa trải qua mùa giải khốc liệt trong nước, họ có nhiều biểu hiện của sự mệt mỏi. Covid-19 cũng khiến HLV Tan Cheng Hoe chỉ còn 19 cầu thủ cho trận đấu với Việt Nam.
Bên cạnh đó, đã xuất hiện những rạn nứt trong nội bộ Malaysia. Trận gặp Campuchia, tiền đạo Guilherme de Paula bất mãn khi bị thay ra. Tuyên bố “thật tuyệt khi giành chiến thắng với nhiều cầu thủ bản địa trong đội” của tiền vệ Akhyar Rashid càng làm dấy lên nghi ngờ về việc chia bè phái.
Nhưng lịch sử nhiều lần chứng minh, càng bị nghi ngờ, càng rơi vào nghịch cảnh, Malaysia càng trở nên mạnh mẽ. Bất cứ điều gì xảy ra họ cũng không quên trừng phạt đối phương bằng các pha phản công sắc lẹm. 2 trận đã qua với Campuchia và Lào cho biết, Malaysia còn rất thành thạo trong việc tìm kiếm khoảng trống giữa trung vệ và hậu vệ cánh dựa trên sự linh hoạt, cơ động của Safawi Rasid.
Khi HLV Park Hang-seo nhận định trận đấu tối nay, 12/12, “giống như một trận chung kết”, đương nhiên ông biết rõ đối mặt với Malaysia không hề dễ dàng. Tuy nhiên, nhìn vào thành tích dưới thời chiến lược gia người Hàn Quốc, có thể thấy “Những chiến binh Sao Vàng” đã thuần hóa “Bầy hổ Malaya”. Chúng ta bất bại cả 5 trận gần nhất, bao gồm 4 chiến thắng.
Để biến ác mộng Mã Lai thành điềm lành, không có gì bí mật cả. Malaysia mạnh mẽ và ngoan cường, nhưng chúng ta còn mạnh mẽ, ngoan cường hơn, đồng thời khát khao hơn. Tâm lý thi đấu đã không còn là vấn đề. Các chàng trai của chúng ta thực sự là “những chiến binh”. Họ chuyển hóa áp lực thành động lực, bỏ lại nỗi sợ hãi phía sau và tự tin tiến về phía trước.
Chiến thắng trước Malaysia ở trận lượt về vòng loại thứ hai World Cup 2022 một lần nữa nhấn mạnh điều này. Đồng thời còn cho thấy sự khôn ngoan trong cách tiếp cận của HLV Park Hang-seo và các học trò. Chúng ta nhường bóng cho đối thủ nhưng lại vượt trội về số cơ hội tạo ra, cuối cùng giành 3 điểm xứng đáng.
Tối nay, sẽ không bất ngờ nếu Việt Nam lại khiến “Bầy hổ Malaya” phải cúi đầu. Và đó tiếp tục là điềm lành cho hành trình bảo vệ ngôi vương.
Gửi phản hồi
In bài viết