Tại buổi làm việc với Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn, Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay nhấn mạnh, Việt Nam là điển hình thành công trong kết nối giữa phát triển kinh tế và văn hóa.
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Cộng hòa Pháp, ngày 5/6, tại Paris, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã thăm Trụ sở Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO); gặp và làm việc với Tổng Giám đốc UNESCO, bà Audrey Azoulay.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định vai trò quan trọng của UNESCO trong việc góp phần duy trì, củng cố hòa bình, phát triển bền vững và thịnh vượng của các quốc gia, dân tộc trên thế giới trong gần 80 năm qua.
Bày tỏ vui mừng khi quan hệ Việt Nam-UNESCO ngày càng phát triển toàn diện, thực chất và hiệu quả, trong đó có đóng góp quan trọng, thiết thực của Tổng Giám đốc Audrey Azoulay, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, Việt Nam cam kết đóng góp thực chất, hiệu quả hơn nữa vào công việc chung của UNESCO.
Với tinh thần đó, Việt Nam sẽ ứng cử vào Ủy ban Di sản Thế giới nhiệm kỳ 2023-2027 để cùng các quốc gia khác hoàn thiện các chính sách và thúc đẩy các biện pháp nhằm bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, do vậy mong muốn nhận được sự ủng hộ từ phía UNESCO.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đề nghị Tổng Giám đốc và UNESCO tiếp tục tích cực ủng hộ, hỗ trợ Việt Nam hiệu quả hơn trong quá trình hội nhập, phát triển thông qua các hoạt động cụ thể như: dành thêm nguồn lực triển khai MOU hợp tác giữa Việt Nam và UNESCO giai đoạn 2021-2025; giúp tư vấn chính sách, chia sẻ các kinh nghiệm và bài học thực tiễn cho Việt Nam nhằm phục hồi phát triển kinh tế-xã hội, trong đó, quan tâm xử lý các vấn đề xã hội, văn hóa, giáo dục. Việt Nam cũng cần hỗ trợ để tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức, thúc đẩy hợp tác về phát triển bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu, hợp tác về khoa học cơ bản, quản lý bền vững nguồn nước, nghiên cứu khoa học biển, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản…
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn mong muốn Tổng Giám đốc và Ban Thư ký UNESCO quan tâm, hỗ trợ trong việc xây dựng và tư vấn, ủng hộ các hồ sơ di sản mới của Việt Nam gồm: Vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà, Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Côn Sơn-Kiếp Bạc, Khu khảo cổ học Óc Eo-Ba Thê, Con Moong, các hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể: Lễ hội vía Bà Chúa xứ núi Sam, Nghệ thuật tranh dân gian Đông Hồ... cũng như hỗ trợ việc bảo tồn và phát huy giá trị các di sản thế giới đã được UNESCO ghi danh, trong đó có Dự án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long-Hà Nội.
Tổng Giám đốc UNESCO nhắc lại kỷ niệm tốt đẹp trong chuyến thăm Việt Nam vào tháng 9/2022 và khẳng định Việt Nam luôn là thành viên có trách nhiệm, một trong những nước đi đầu trong việc triển khai hiệu quả các chương trình, hoạt động của UNESCO.
Bà Audrey Azoulay đánh giá cao các đóng góp quan trọng, hiệu quả của Việt Nam trong công việc chung của Tổ chức với tư cách thành viên Hội đồng chấp hành 2021-2025, Phó Chủ tịch Ủy ban liên chính phủ Công ước bảo vệ và phát huy sự đa dạng các biểu đạt văn hoá, thành viên Ủy ban liên chính phủ Công ước bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể.
Bà Audrey Azoulay nhất trí với các ý tưởng của Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn về phương hướng hợp tác thời gian tới, trong đó khẳng định, UNESCO sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trên các lĩnh vực giáo dục, văn hóa, khoa học và thông tin-truyền thông cũng như hỗ trợ, ủng hộ việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản, phát triển bền vững các khu dự trữ sinh quyển tại Việt Nam.
UNESCO cũng cam kết hỗ trợ Việt Nam trong xây dựng, thúc đẩy các hồ sơ di sản cũng như hỗ trợ việc bảo tồn và phát huy giá trị các di sản thế giới đã được UNESCO ghi danh, trong đó có Dự án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long-Hà Nội.
Nhân dịp này, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn mời lãnh đạo UNESCO tham dự Hội nghị quốc tế về bảo tồn và phát huy giá trị các danh hiệu UNESCO phục vụ phát triển bền vững tại Việt Nam tổ chức tại Ninh Bình vào tháng 7/2023. Tổng Giám đốc Azoulay cảm ơn và cho biết sẽ cử Trợ lý Tổng Giám đốc phụ trách về đối ngoại thu xếp tham dự.
Gửi phản hồi
In bài viết