Hai tác giả nhỏ tuổi Hoàng Nhật Quang (bên trái) và Đoàn Lữ Thụy Phương tại Lễ trao Giải thưởng Dế Mèn lần thứ tư-2023.
(Ảnh HÒA NGUYỄN)
Đáng chú ý, sau hai năm liên tiếp (2021 và 2022) vắng bóng chủ nhân của Giải thưởng Lớn (trong khuôn khổ Giải thưởng Dế Mèn do Báo Thể thao&Văn hóa - Thông tấn xã Việt Nam khởi xướng tổ chức thường niên từ năm 2020), mùa giải năm nay, từ 121 tác phẩm/chùm tác phẩm tham gia dự thi, Ban Tổ chức đã tìm được “Hiệp sĩ Dế Mèn” thứ hai là nhà văn Trần Đức Tiến vì những cống hiến xuất sắc cho thiếu nhi trong toàn bộ sự nghiệp sáng tác của ông, trong đó có Alo!... Cậu đấy à? (2022) được đưa vào xét giải năm nay (trước đó, giải “Hiệp sĩ Dế Mèn” đầu tiên được trao cho nhà văn Nguyễn Nhật Ánh-năm 2020). Alo!... Cậu đấy à? là sáng tác mới nhất của nhà văn sinh năm 1953, tiếp nối cuốn đồng thoại nổi tiếng Xóm Bờ Giậu (2019).
Từ 23 câu chuyện nhỏ trong tác phẩm, có thể nhận ra vốn văn hóa dày dặn, sự tinh tế và đặc biệt là tình yêu con trẻ của nhà văn Trần Đức Tiến. Nói như Tiến sĩ Nguyễn Thanh Tâm (Trường đại học Sư phạm Huế), tác phẩm đã chứng kiến sự “trẻ hóa” bất ngờ của nhà văn U80: “Khoảng cách giữa tác giả và những nhân vật nhỏ tuổi trở nên mờ nhòe khi nhà văn thì ngày càng hồn nhiên, mơ mộng, hóm hỉnh; còn nhân vật thì có xu hướng trở thành những “ông cụ non”.
Tác giả hiểu những trò chơi gần như đã thành hơi thở của con trẻ. Hiểu cái ngúng nguẩy và những giận hờn như mưa bóng mây của chúng. Hiểu nỗi khao khát khám phá. Hiểu những vẫy gọi xa xôi…”. Trước Alo!... Cậu đấy à?, gia tài sáng tác cho thiếu nhi của nhà văn Trần Đức Tiến còn có 10 tác phẩm viết cho thiếu nhi khá ấn tượng đã xuất bản như: Ốc mượn hồn, Vương quốc vắng nụ cười, Dế mùa Thu, Trăng vùi trong cỏ, Trên đôi cánh chuồn chuồn… cùng nhiều tác phẩm được đưa vào sách giáo khoa như Giọt sương đêm, Bạn nhỏ trong nhà, Hoa cúc áo, Chân trời cuối phố…
Cùng ở mảng sáng tác truyện, các tác phẩm được trao Giải đồng hạng “Khát vọng Dế Mèn” (gồm: Ông Ba Bị và những đứa trẻ trong mơ (Lạc An); Ở một nơi có rất nhiều rồng (Mộc An); Vua ngan xóm hồ (Uông Triều)), và Nghé ọ Hai Xoáy (Phạm Anh Xuân) được trao “Tặng thưởng của Hội đồng Giám khảo” cũng góp phần tạo nên dấu ấn cho mùa giải năm nay. Nếu Ông Ba Bị và những đứa trẻ trong mơ là lời “minh oan” thú vị cho ông Ba Bị - hình ảnh tưởng tượng mà người lớn thường dùng để dọa trẻ em, thì Vua ngan xóm hồ là hành trình kỳ thú của Vua Ngan để bảo vệ sự bình yên cho cuộc sống cư dân xóm hồ.
Trong khi đó, Ở một nơi có rất nhiều rồng thu hút độc giả nhí bởi bối cảnh huyền thoại đầy chất thơ với những sinh vật kỳ ảo cùng mạch truyện hấp dẫn, kích thích trí tưởng tượng, sự suy tư của con trẻ. Nghé ọ Hai Xoáy lại hấp dẫn người đọc bởi quá trình cậu bé mục đồng thu lượm được những bài học về sự trưởng thành qua tương tác với thế giới tự nhiên.
Thêm một điểm đặc biệt của Giải Dế Mèn năm nay là đã phát hiện và vinh danh hai tác giả nhỏ tuổi với những tác phẩm được đánh giá cao, bộc lộ sớm tư chất sáng tạo chuyên nghiệp của các em. Giải “Khát vọng Dế Mèn” được trao cho Hoàng Nhật Quang (11 tuổi, Lạng Sơn) với chùm tranh. Và một trong hai “Tặng thưởng của Hội đồng Giám khảo” được trao cho Đoàn Lữ Thụy Phương (10 tuổi, Hà Nội) với chùm bản thảo Tôi, bố tôi, và…, Từ những bức thư.
Chùm tranh của Nhật Quang gây ấn tượng mạnh cho người xem không chỉ bởi đó là tác phẩm của cậu bé người dân tộc Tày, mà còn vì ý tưởng tự do, phóng khoáng, cách dùng mầu sinh động, hợp lý, trong đó có những tranh khổ lớn mà cậu bé phải đứng trên ghế, trèo lên thang để hoàn thành.
Chia sẻ tại lễ trao giải Dế Mèn, họa sĩ Thành Chương, thành viên Hội đồng Giám khảo nhận định: Tranh của Nhật Quang có những nét hồn nhiên đúng chất trẻ thơ, đồng thời cũng có những ý niệm, suy nghĩ già dặn của một nghệ sĩ thực thụ. “Đó là điều làm cho tôi và nhiều người giật mình trước tác phẩm của cháu. Bằng sức lực lao động với những bức tranh khổ lớn, số lượng nhiều, ngoài sự đam mê, ở Hoàng Nhật Quang chắc chắn phải có tài năng. Đây có thể coi là một hiện tượng mở ra khả năng phát triển lâu dài và sự hy vọng”, họa sĩ Thành Chương nhấn mạnh.
Còn với chùm bản thảo có dung lượng khá đồ sộ Tôi, bố tôi, và…, Từ những bức thư, cây bút nhí Thụy Phương đã khẳng định được sức tưởng tượng và ngôn ngữ văn chương đáng nể qua những mẩu chuyện thú vị về ông bố hay “cà khịa” làm con phát bực, nhưng cũng rất mực yêu thương, tôn trọng con, chơi cùng con theo triết lý bình đẳng; hay qua những bức thư giàu ý nghĩa nhân văn mà tác giả, một cô bé học lớp 5, đóng vai các đồ vật (như: cây bút thất lạc, đôi dép cũ, đám mây, tán cọ…) để gửi cho chính mình. Khi được hỏi về yếu tố ưu tiên nhất khi sáng tác, Thụy Phương không ngần ngại trả lời: “Đó là sự nhí nhảnh, hài hước, vì khi viết truyện thiếu nhi, con mong muốn mang đến cho mọi người tiếng cười, sự sảng khoái”.
Quả thật, sự hóm hỉnh, dí dỏm đã luôn song hành trong những trang viết hồn nhiên, trong sáng, chứa đựng tình yêu lớn của cô bé 10 tuổi dành cho gia đình, cũng như sự quan tâm, biết quan sát, lắng nghe thế giới chung quanh. Chia sẻ về tác phẩm của Thụy Phương, nhà phê bình, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Văn Giá, thành viên Hội đồng Giám khảo nhận xét: “Cô bé có sức viết đáng nể so với độ tuổi, văn phong chỉn chu, kỹ lưỡng với những câu văn chững chạc, chuyên nghiệp. Đây cũng là tín hiệu đáng quý cho tương lai của tác giả nhí này”.
Đánh giá chung về giải thưởng năm nay, nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Giám khảo cho biết: Việc tìm được một “Hiệp sĩ Dế Mèn”, bốn “Khát vọng Dế Mèn” và hai “Tặng thưởng của Hội đồng Giám khảo” là một kết quả khá toàn diện. “Qua bốn mùa tổ chức, Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn ngày càng chuyên nghiệp hơn, thu hút được sự chú ý, sự sáng tạo của đông đảo văn nghệ sĩ và thiếu nhi.
Có rất nhiều tác phẩm tốt từ giải thưởng này đã góp thêm sự phong phú vào kho tàng nghệ thuật thiếu nhi. Và cứ mỗi năm, tác phẩm lại nhiều hơn, người tham gia đông đảo hơn và tác phẩm xem ra cũng chất lượng hơn. Đó là điều rất đáng mừng”, nhà thơ Trần Đăng Khoa khẳng định.
Gửi phản hồi
In bài viết