Quang cảnh lễ ký kết.
Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Hà Giang (đại diện chủ đầu tư) Nguyễn Khắc Hưng cho biết, đây là dự án có quy mô lớn, tiêu chuẩn kỹ thuật phức tạp, lần đầu tiên triển khai trên địa bàn tỉnh Hà Giang.
"Dưới sự chỉ đạo quyết liệt và thường xuyên của lãnh đạo tỉnh, sự hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ của các sở, ban, ngành và chính quyền huyện Bắc Quang, đến nay chủ đầu tư đã cơ bản hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư. Khu vực dự kiến thực hiện khởi công đã được huyện Bắc Quang hoàn tất bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư, bảo đảm kế hoạch khởi công dự án đúng kế hoạch (dự kiến trong tháng 4 này)", ông Hưng chia sẻ.
Dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Tuyên Quang-Hà Giang (giai đoạn 1), đoạn qua tỉnh Hà Giang được phê duyệt chủ trương đầu tư từ tháng 12/2022 với tổng mức đầu tư gần 3.200 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ năm 2022 đến 2025.
Dự án có tổng chiều dài tuyến gần 27,5km, điểm đầu nối tiếp đoạn qua địa phận tỉnh Tuyên Quang, tại cuối cầu Vĩnh Tuy thuộc địa phận thị trấn Vĩnh Tuy, huyện Bắc Quang; điểm cuối tại Km27+480, địa phận xã Tân Quang, huyện Bắc Quang.
Dự án được chia thành 3 gói thầu xây lắp với tổng giá dự toán hơn 2.582 tỷ đồng; trong đó, gói thầu 03-XL là gói đầu tiên, đã lựa chọn được Vinaconex là nhà thầu thi công thông qua đấu thầu. Gói thầu 03-XL (đoạn Km0 - Km12+500) đi qua địa phận thị trấn Vĩnh Tuy và 3 xã Vĩnh Hảo, Hùng An, Quang Minh.
Hai gói thầu xây lắp còn lại gồm gói thầu 04-XL thi công đoạn Km12+500 đến Km19+120 (giá dự toán 846,64 tỷ đồng) và gói 05-XL thi công đoạn Km19+120 đến Km27+480 (giá dự toán 829 tỷ đồng), chủ đầu tư đang chờ xin ý kiến thẩm định hồ sơ thiết kế, dự toán của Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ Giao thông vận tải). Dự kiến 2 gói thầu này sẽ được tổ chức lựa chọn nhà thầu trong quý II/2023.
Gói thầu đi qua địa bàn đồi núi, có thể tận dụng đất đào để đắp nền, giảm thiểu áp lực nguồn cung vật liệu.
Về nguồn vật liệu cho dự án, chủ đầu tư cho biết, khác với các tuyến cao tốc được thực hiện tại khu vực miền trung và phía nam, cao tốc Tuyên Quang-Hà Giang (giai đoạn 1), đoạn qua tỉnh Hà Giang có đặc thù chủ yếu đi qua địa bàn đồi núi, do đó có thể thực hiện thẩm định, đánh giá tiêu chuẩn nguồn đất đào để tận dụng đắp nền, giảm thiểu áp lực về nguồn cung vật liệu.
Năm 2023, kế hoạch vốn Trung ương bố trí thực hiện dự án đạt 1.154 tỷ đồng. Để triển khai dự án, tổng diện tích đất cần thu hồi lên tới 315 ha, do đó, áp lực giải ngân cũng như giải phóng mặt bằng rất lớn. Ủy ban nhân dân huyện Bắc Quang đã thành lập Ban Chỉ đạo giải phóng mặt bằng, tổng hợp số liệu rà soát, kiểm đếm các hộ gia đình bị ảnh hưởng để tiến hành lập, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, dự kiến sẽ hoàn thành trước tháng 6 tới đây.
Sau khi hoàn thành, dự án này sẽ tạo hành lang phát triển kinh tế từ Thủ đô Hà Nội theo cao tốc Nội Bài-Lào Cai, kết nối cao tốc Tuyên Quang-Phú Thọ đến cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy (Hà Giang), đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa ngày càng tăng cao, giải quyết điểm nghẽn về liên kết vùng, nội vùng giữa 2 tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang.
Sau khi hoàn thành, dự án này sẽ tạo hành lang phát triển kinh tế từ Thủ đô Hà Nội theo cao tốc Nội Bài-Lào Cai, kết nối cao tốc Tuyên Quang-Phú Thọ đến cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy (Hà Giang).
Trước đó, các gói thầu tư vấn thuộc dự án đã hoàn tất chỉ định thầu theo cơ chế đặc thù được quy định tại Nghị quyết 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Theo đó, gói thầu số 06 điều tra và đánh giá hiện trạng rừng được trao cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Sinh thái rừng; gói thầu số 07 lập nhiệm vụ khảo sát, phương án và dự toán rà phá bom mìn, vật nổ được giao cho Lữ đoàn 299 - Quân đoàn 1; gói thầu số 01 tư vấn lập nhiệm vụ khảo sát bước thiết kế bản vẽ thi công được giao cho Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư, xây dựng và thương mại Thống Nhất,...
Gửi phản hồi
In bài viết