Vinh quang sự nghiệp “trồng người”

- Trải qua các thời kỳ, biết bao thế hệ các thầy cô giáo đã nối tiếp mang kiến thức truyền thụ lại cho lớp lớp học sinh con em các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Dù dạy học ở thành phố hay những miền núi cao còn khó khăn song những tấm gương thầy cô tận tụy, hết lòng với nghề đã thắp sáng lên ngọn lửa tri thức, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, tạo nguồn nhân lực có chất lượng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.

Đồng chí Vũ Đình Hưng, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo trò chuyện, động viên đội tuyển học sinh giỏi trường THPT Chuyên Tuyên Quang.

Gắn bó với học sinh vùng xa

Không ít những thầy, cô giáo đang công tác tại vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh đã dành cả tuổi thanh xuân để gắn bó với học sinh vùng cao, đem cái chữ “thắp sáng” những bản làng, vùng quê hẻo lánh.

Cô giáo Ma Thị Chà, dân tộc Tày, trường Mầm non Yên Thuận (Hàm Yên) cũng chính là 1 trong 63 giáo viên dân tộc thiểu số tiêu biểu toàn quốc từng được Bộ Giáo dục và Đào tạo tuyên dương, khen thưởng. Đến nay, cô Chà đã có gần 20 năm dạy học ở các điểm trường vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của xã vùng cao Yên Thuận và luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Tất cả các thôn xa của xã Yên Thuận như: Hao Bó, Cao Đường, Khau Làng… cô đều đặt chân đến, cô không chỉ nuôi dạy trẻ em đồng bào dân tộc mà còn tuyên truyền, vận động người dân quan tâm đến việc học của con em mình, nhờ đó duy trì tỷ lệ chuyên cần cao.

Nhiều học sinh nhà ở xa, bố mẹ không đến đón con trong ngày, không có điều kiện cho trẻ ăn bán trú, cô Chà về nhà lấy gạo của gia đình, dành số tiền lương ít ỏi mua thức ăn để nấu cơm cho trẻ ăn trưa tại lớp. Cô Chà bảo, nhìn trẻ em vùng cao cuộc sống thiếu thốn thì thương lắm. Dẫu hoàn cảnh gia đình cũng chẳng khấm khá gì nhưng giúp các trẻ có hoàn cảnh khó khăn được đến đâu cô rất sẵn lòng.

 Cô trò trường Tiểu học Đội Cấn, TP Tuyên Quang.

Dẫu hoàn cảnh khó khăn, chồng mất sớm song cô giáo Vi Thị Hoàn, trường Mầm non Khâu Tinh (Na Hang) lại có tấm lòng nhân hậu, năm học nào cô cũng nhận đỡ đầu học sinh khó khăn. Trong quá trình công tác, cô luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, được đồng nghiệp và nhân dân tin yêu. Hơn 19 năm dạy học, cô luôn đổi mới, sáng tạo trong dạy học, ngoài những đồ dùng được Nhà nước, nhà trường trang cấp cô còn tự mày mò làm thêm những đồ dùng, đồ chơi để những giờ dạy học thêm sinh động, hấp dẫn trẻ. 

Có rất nhiều tấm gương giáo viên vượt qua khó khăn để bám lớp, bám trường, có cô giáo dù mang mắc bệnh hiểm nghèo song vẫn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ dạy học được các cấp, các ngành ghi nhận. Tiêu biểu như cô giáo Đỗ Thị Thu Nga, trường THPT Tháng Mười (Yên Sơn) dù mắc bệnh hiểm nghèo nhưng luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, là điển hình trong phong trào thi đua yêu nước toàn ngành Giáo dục; cô giáo Nguyễn Thị Thu Trang, trường Tiểu học Yên Thuận nay là Hiệu trưởng trường Tiểu học Thành Long (Hàm Yên) đã phát động phong trào ủng hộ quần áo, sách vở và gạo trong toàn trường giúp hàng chục học sinh nghèo vơi bớt khó khăn để yên tâm học tập; cô giáo Nguyễn Thị Việt Hải, trường THCS Trung Môn (Yên Sơn) bị u tuyến giáp nhưng nhiều năm liền đạt chiến sỹ thi đua, giáo viên dạy giỏi, có nhiều học sinh đạt giải cấp huyện và tỉnh...

Những nỗ lực của các thầy, cô giáo thật đáng trân trọng, các thầy cô xứng đáng là những “đóa hoa thơm” tô thắm, vun đắp cho sự nghiệp “trồng người” của tỉnh ngày càng phát triển.

Xây dựng đội ngũ giáo viên “vừa hồng vừa chuyên”

Công tác bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ đã được ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh quan tâm thực hiện. Từ đó, xây dựng đội ngũ cán bộ giáo viên tận tâm với nghề, có chuyên môn nghiệp vụ vững vàng. Hàng năm, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức hàng chục lớp bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ cho các cán bộ, giáo viên; thường xuyên cập nhật các kiến thức, phương pháp giảng dạy mới, hiệu quả từ Bộ Giáo dục và Đào tạo. 

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo, hiện nay, toàn tỉnh có 13.500 cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên, tỷ lệ cán bộ, giáo viên đạt chuẩn về trình độ đào tạo cấp THPT đạt 100%, THCS trên 77%, mầm non trên 88%... Ngành đã xây dựng kế hoạch để bồi dưỡng, tiếp tục nâng cao trình độ đạt chuẩn cho cán bộ, giáo viên. Đồng thời, đổi mới trong công tác tuyển chọn, thu hút nhân tài cho ngành giáo dục, thực hiện thi tuyển đối với cán bộ quản lý các trường...

Giáo viên trường Mầm non Tân Tiến (Yên Sơn) làm đồ dùng, trang trí lớp học, tạo môi trường thân thiện cho trẻ.

Nhiều thầy, cô giáo đã có sự nỗ lực, tâm huyết trong công tác dạy học, có nhiều sáng kiến giúp việc dạy học đạt hiệu quả cao được nhân dân, học sinh yêu mến. Nhiều thầy, cô giáo khi tham gia các cuộc thi chuyên môn do Sở Giáo dục và Đào tạo, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức đã đoạt giải cao, nhiều giáo viên đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia và được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú.

Nhờ có nhiều đổi mới, chất lượng dạy học trên địa bàn tỉnh ngày càng nâng lên, đáp ứng được yêu cầu dạy học cho con em các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Để tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn, năm học 2022 - 2023, toàn ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh đang tích cực thực hiện đổi mới theo tinh thần Nghị quyết số 29 của BCH Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Trong đó, trọng tâm là đổi mới trong công tác quản lý trường học, xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên tâm huyết, có trách nhiệm, tích cực sáng tạo, đổi mới phương pháp dạy học phù hợp với tình hình thực tiễn. Cùng với đó tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá học sinh theo hướng “học thực, thi thực, chất lượng thực” và đề cao các phương pháp giảng dạy gắn với thực tiễn cuộc sống. Qua đó từng bước nâng cao chất lượng học sinh toàn diện, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh.

Bài, ảnh: Huy Hoàng

Tin cùng chuyên mục