Vốn FDI vào Việt Nam tăng cao

Trong 7 tháng năm 2024, điểm khá nổi bật ở lĩnh vực sản xuất là có nhiều dự án lớn trong lĩnh vực bán dẫn, năng lượng (sản xuất pin, tế bào quang điện, thanh silic,...); sản xuất linh kiện, sản phẩm điện tử, sản phẩm có giá trị gia tăng cao,... được đầu tư mới và mở rộng quy mô.

 

Sản xuất bảng mạch điện tử ở Nhà máy Nippon Mektron của Công ty TNHH Mektec Manufacturing Việt Nam. (Ảnh THANH HẢI)

Thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam từ đầu năm đến nay không chỉ tăng mạnh về số lượng mà chất lượng cũng có sự thay đổi tích cực, tập trung vào những ngành công nghệ cao như công nghiệp bán dẫn, điện tử, năng lượng,...

Lựa chọn đầu tư kỹ lưỡng

Cùng với sự khởi sắc mạnh mẽ hơn của dòng vốn ngoại vào Việt Nam, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhận định, chất lượng dòng vốn FDI tăng mạnh nhờ lựa chọn thu hút đầu tư kỹ lưỡng. Đầu tháng 7/2024, Tập đoàn Foxconn - đối tác sản xuất chính của Apple đã được trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hai dự án lớn tại Quảng Ninh với tổng vốn đăng ký gần 551 triệu USD.

Đó là dự án sản xuất sản phẩm giải trí thông minh, được đầu tư tại Khu công nghiệp Sông Khoai (Amata) diện tích 21,5 ha, vốn đầu tư 263,7 triệu USD với công suất thiết kế 4,18 triệu sản phẩm/năm và dự án sản xuất thiết bị hệ thống thông minh tại Khu công nghiệp Bắc Tiền Phong (Deep C) trên diện tích 12,4 ha, quy mô vốn 287,2 triệu USD, công suất thiết kế 8,78 triệu sản phẩm/năm.

Chỉ tính riêng tại Quảng Ninh, đến nay, Foxconn đã có 5 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký gần 1 tỷ USD. Bên cạnh đó, tập đoàn cũng có các dự án đầu tư lớn tại Bắc Giang, Bắc Ninh và gần đây tiếp tục công bố kế hoạch thành lập một nhà máy mới tại Nghệ An. Việc Foxconn mở rộng đầu tư tại các địa phương cho thấy tầm quan trọng và vị thế mới của Việt Nam trong chuỗi cung ứng sản xuất thiết bị điện tử toàn cầu, đồng thời cũng khẳng định niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài vào môi trường đầu tư Việt Nam.

Năm 2024 cũng đặt dấu mốc quan trọng mở ra một trang mới thực chất và sâu rộng hơn đối với quan hệ Việt Nam-Ấn Độ, trong đó có hoạt động đầu tư. Trong chuyến thăm cấp nhà nước tới Ấn Độ của Thủ tướng Phạm Minh Chính, nhiều tập đoàn lớn của Ấn Độ xác định Việt Nam là điểm đến đầu tư chiến lược và mong muốn trở thành nhà đầu tư chiến lược tại Việt Nam.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngay sau đó, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng và lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương liên quan đã có cuộc làm việc với Tập đoàn Adani để xử lý dứt điểm các vấn đề liên quan, thống nhất cách làm, triển khai thủ tục theo quy định, sớm triển khai đầu tư dự án cảng biển Liên Chiểu cũng như các dự án khác theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam.

Các địa phương tăng tốc

Tại nhiều địa phương trong cả nước, dòng vốn FDI đã trở thành động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm cho người lao động. Để nâng cao chất lượng vốn ngoại, nhiều địa phương đã và đang đổi mới cách xúc tiến đầu tư, chuẩn bị tốt nhất những điều kiện, sẵn sàng đón các dự án mới để trở thành trung tâm thu hút FDI của cả nước.

Trong cuộc làm việc với Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc (Kocham) tại Việt Nam diễn ra mới đây, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc Trần Duy Đông cho biết, định hướng của tỉnh trong thu hút đầu tư là ưu tiên các dự án công nghệ cao, cơ khí chế tạo, điện tử, công nghiệp hỗ trợ, nhất là dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp bán dẫn. Các dự án sẽ được tập trung xây dựng trong các khu công nghiệp nhằm bảo đảm xử lý các vấn đề về môi trường, cung cấp hạ tầng viễn thông, điện, nước sạch, mặt bằng,…

Đến nay, Vĩnh Phúc đã quy hoạch 27 khu công nghiệp, trong đó, có 9 khu công nghiệp đi vào hoạt động, 5 khu đang hoàn thiện hạ tầng. Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành chuẩn bị điều kiện cần thiết, tạo mặt bằng sạch trong khu công nghiệp để sẵn sàng giao đất, cho thuê đất đối với dự án trong các lĩnh vực định hướng thu hút đầu tư. Đáng lưu ý, Vĩnh Phúc cũng đã xây dựng kế hoạch bảo đảm cung cấp đủ điện cho doanh nghiệp trên địa bàn vì đây là điều kiện rất quan trọng đối với các dự án công nghệ cao như lĩnh vực công nghiệp bán dẫn.

Thay mặt các doanh nghiệp Hàn Quốc, ông Hong Sun, Chủ tịch Kocham cho biết, Kocham vừa tổ chức một tọa đàm về các lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ bán dẫn, thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp thành viên. Doanh nghiệp Hàn Quốc rất quan tâm đến cơ hội đầu tư tại Việt Nam nói chung và Vĩnh Phúc nói riêng, Kocham sẽ tiếp tục kết nối, trao đổi, làm cầu nối để thúc đẩy hợp tác đầu tư tại Việt Nam trong thời gian tới.

Tính đến tháng 7/2024, nhiều địa phương trên cả nước đã “cán mốc” thu hút hơn 1 tỷ USD vốn FDI. Nằm trong tốp các địa phương thu hút FDI dẫn đầu cả nước, tỉnh Đồng Nai chỉ trong bốn tháng đầu năm đã vượt chỉ tiêu thu hút vốn FDI của cả năm. Các dự án mới của Đồng Nai chủ yếu tập trung vào ngành công nghiệp bán dẫn, linh kiện điện, điện tử; cơ khí chế tạo; dệt; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, không có dự án thuộc danh mục ngành nghề có yếu tố gây ô nhiễm môi trường, thâm dụng lao động,…

Theo nhận định của Ngân hàng HSBC, Việt Nam có vị thế cạnh tranh thu hút vốn FDI so với các quốc gia khác nhờ mức thuế thu nhập doanh nghiệp 20%, khả năng tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, những yếu tố thuận lợi từ thực thi các hiệp định thương mại tự do đã ký. HSBC cũng cho rằng, chi phí cạnh tranh và sự tạo thuận lợi cho môi trường đầu tư của Chính phủ với các chính sách hỗ trợ khu vực đầu tư nước ngoài, bao gồm cả các chính sách ưu đãi thuế là những lợi thế để Việt Nam cạnh tranh thu hút vốn FDI.

Theo Nhân Dân

Tin cùng chuyên mục