Vui Tết sớm cùng người Mông

- Trong 22 dân tộc trên địa bàn tỉnh, dân tộc Mông có nét văn hóa rất riêng. Ngay ngày Tết của đồng bào Mông cũng sớm hơn Tết Nguyên đán khoảng 1 tháng, tức là những ngày đầu của tháng Chạp. Như vậy chỉ còn khoảng 1 tuần nữa là đến Tết của người Mông.

Tại chợ phiên xã Kiến Thiết (Yên Sơn), người Mông ở các thôn Khuổi Cằn, Khuổi Khít, Làng Un, Tân Minh, Nặm Pó xuống sắm Tết rất đông. Hiện nay xã Kiến Thiết có khoảng 400 hộ với trên 2.000 nhân khẩu người Mông sống trên các sườn núi cao. Chị Sùng Thị Kiều, thôn Khuổi Khít cho biết, gia đình chị mua bánh kẹo, muối mắm, dầu đèn là chủ yếu. Còn mọi cái khác như hạt bí, lợn, gà, lá dong, gạo nếp đều có thể tự túc được.


Người Mông xã Kiến Thiết đi chợ phiên tại trung tâm xã sắm Tết.

Năm 2020 đối với người Mông xã Kiến Thiết vẫn được coi là năm “mưa thuận gió hòa”. Bởi thóc, ngô vẫn đầy bồ, chỉ có giá chuối tây là giảm chút ít so với mọi năm. Chỉ tay về phía chuồng lợn, anh Vàng Quang Phòng, thôn Làng Un “bật mí”, năm nay giá lợn hơi tăng chóng mặt, thời điểm này lên tới giá 80 nghìn đồng 1 kg lợn hơi. Một con lợn trắng 80 kg bán đi cũng được 6,4 triệu nên chăn nuôi cũng có lãi. Giá cao song gia đình anh vẫn quyết giữ lại một con để ăn Tết, vì theo người Mông, thiếu con lợn ăn Tết là mất vui. Việc thịt một con lợn to, gia đình cũng cần nhờ đến anh em họ hàng, làng xóm đến hộ. Cái thủ, bộ gan lợn dùng để cúng dâng lên thần thánh, tổ tiên, dòng họ. Sau đó mọi người đến hộ làm bữa cơm vui vẻ đoàn kết tất niên. Số thịt còn lại, gia chủ chế biến nhiều món, trong đó không thể thiếu món thịt lợn hun khói, treo gác bếp.

Trong các địa phương thì huyện vùng cao Na Hang cũng có nhiều dân tộc Mông sinh sống rải rác ở các xã như Sinh Long, Khâu Tinh, Hồng Thái. Mấy ngày nay, dòng suối từ cánh rừng nguyên sinh chảy qua thôn Phiêng Ten, xã Sinh Long đông người dân ra giặt rũ quần áo, rửa lá bánh. Anh Lầu Văn Ló, dân tộc Mông, thôn Phiêng Ten đang kỳ cọ cái cối gỗ chia sẻ, đối với người Mông, Tết đến nhà nào ở Phiêng Ten cũng có tục làm bánh dày. Gạo nếp nương được chọn kỹ, ngâm trước một ngày rồi đồ lên. Khi xôi chín thơm dẻo đang nóng thì đổ ra cho vào cối giã ngay. Hai ba người khỏe mạnh đảm nhiệm công việc giã bánh đều tay. Điệu chày cứ nhịp nhàng lên xuống cho tới khi bột nhuyễn. Công đoạn gói và hoàn thiện bánh là của những người phụ nữ. Bánh trước tiên phải để cúng, sau làm quà ăn dần trong mấy ngày Tết.

Những năm gần đây người Mông thôn Khuổi Trang, Khuổi Củng, xã Xuân Lập (Lâm Bình) vẫn ăn Tết Nguyên đán như người Kinh, song vẫn không quên tổ chức Tết theo truyền thống của dân tộc mình. Cả một năm lao động chăm chỉ, đây là thời điểm để cho các công cụ lao động được nghỉ ngơi và được dán giấy đỏ. Anh Ma Seo Phừ, dân tộc Mông, thôn Khuổi Củng tâm sự, thời tiết ở Khuổi Củng đang độ cực rét. Nên mọi hoạt động của người Mông đều ở quanh nhà và bên bếp lửa. Có lẽ do thời tiết nên người Mông ăn Tết dài ngày nhất. Ở Khuổi Củng từ nay đến ra xuân, ngày nào cũng vui như Tết. Mọi gia đình quây quần đầm ấm chế biến các món thịt, bánh, nấu rượu. Nghi lễ cúng chuyển giao giữa năm cũ và năm mới cực kỳ quan trọng, người đàn ông đứng đầu gia đình sẽ đảm nhiệm việc này. Lễ cúng phải có đầy đủ thịt lợn, gà, bánh dày, rượu ngô, tiền vàng hương, hoa quả, hạt giống, muối.

Ở Tuyên Quang, dân tộc Mông là dân tộc thiểu số đông thứ 4 sau dân tộc Tày, Dao, Cao Lan với gần 4.000 hộ, trên 20.000 nhân khẩu, chiếm 2,6% dân số toàn tỉnh. Tết người Mông cũng mộc mạc, giản dị nhưng vô cùng đầm ấm, ý nghĩa. Ngày Tết, họ mặc những bộ quần áo đẹp nhất, chúc nhau những lời tốt đẹp, kỳ vọng vào một năm mới hanh thông. Ngoài uống chén rượu ngô mừng năm mới, dân tộc Mông trên địa bàn tỉnh còn có đời sống văn hóa vô cùng phong phú. Từng thôn bản có người Mông sinh sống tổ chức thi chim họa mi hót, giã bánh dày, chơi cù, đánh pao, thổi khèn. Kết cấu anh em dòng họ, tình làng nghĩa xóm người Mông rất cao nên việc xông đất nhà ai trước, nhà ai sau đều được gia chủ cân nhắc kỹ.

Bài, ảnh: Quang Hòa

Tin cùng chuyên mục