Ngày 30-11-2018, Chi cục THADS huyện Yên Sơn tiến hành kê biên tài sản của Nguyễn Thị Hồng Th. và Nguyễn Văn T, trú tại thôn Sơn Hạ, xã Xuân Vân gồm một 1 nhà xây cấp IV được xây trên diện tích đất 250 m² nhưng chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Sau khi kê biên, Chi cục THADS huyện Yên Sơn chuyển toàn bộ hồ sơ kê biên tài sản trên đến Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh để bán theo quy định. Tuy nhiên Trung tâm từ chối bán đấu giá tài sản trên (nhà ở gắn liền quyền sử dụng đất) với lý do: Phòng công chứng (Sở Tư pháp) đã trả lại hồ sơ bán đấu giá vì: “Căn cứ điểm d, khoản 1, Điều 40 Luật Công chứng năm 2014 quy định về hồ sơ yêu cầu công chứng gồm bản sao giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng hoặc bản sao giấy tờ thay thế được pháp luật quy định đối với tài sản mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng trong trường hợp hợp đồng giao dịch liên quan đến tài sản đó”. Chính vì quy định này, mà đến thời điểm tài sản vẫn chưa đưa ra đấu giá được và vụ việc trên không được giải quyết dứt điểm.
Một trường hợp kê biên tài sản tại Thành phố Tuyên Quang.
Đồng chí Nguyễn Tuyên, Chấp hành viên cao cấp, Cục trưởng Cục THADS cho biết: Hiện các quy định pháp luật đang có sự mâu thuẫn gây khó khăn nhiều cho công tác thi hành án khi thực thi nhiệm vụ. Nhiều vụ việc đưa được tài sản ra đấu giá, nhưng đấu giá thành công thì lúc bàn giao tài sản lại gặp khó khăn. Trong đó có trường hợp sau khi bán đấu giá các bên khiếu nại, khởi kiện, sự chống đối quyết liệt của người phải thi hành án, hay của các quy định trong Luật Đấu giá tài sản, Luật đất đai, Luật Thi hành án dân sự và các Nghị định vẫn có sự không thống nhất.
Tại điểm d khoản 4 Điều 56 Luật Đấu giá tài sản quy định chung về điều kiện của các tổ chức đấu giá tài sản để được lựa chọn ký hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản. Theo đó, tổ chức đấu giá có tên trong danh sách tổ chức đấu giá do Bộ Tư pháp công bố sẽ được lựa chọn mà không giới hạn theo địa bàn. Đồng chí Trần Hữu Cường, Chi cục trưởng, Chi cục THADS thành phố Tuyên Quang cho biết, hàng năm trên địa bàn thành phố có khoảng 15 vụ cưỡng chế tài sản để đấu giá, hoàn trả cho bên bị hại, tuy nhiên với đặc thù đấu giá tài sản THADS là việc mang tính bắt buộc (đấu giá “cưỡng bức”), nếu quy định việc phối hợp với tổ chức đấu giá ở xa để cưỡng chế giao tài sản cho người trúng đấu giá sẽ khó khăn, thậm chí có những trường hợp tổ chức đấu giá đã đến địa phương nhưng sát ngày cưỡng chế phải hoãn nên dẫn đến việc họ phải đi lại nhiều lần, ảnh hưởng đến số tiền phải thi hành án, quyền lợi của người được thi hành án.
Thực tế hiện nay, khi thực hiện nhiệm vụ mỗi hành vi trên của Chấp hành viên, của các tổ chức, cơ quan đều có thể bị người có tài sản khiếu nại, tố cáo và đương nhiên khi đã có khiếu nại, tố cáo thì phải giải quyết, mất rất nhiều thời gian. Chưa kể khi bán tài sản thông thường thì người có tài sản bao giờ cũng tìm cách để giới thiệu, quảng bá để nâng giá trị của tài sản lên cao nhất có thể.
Các vụ việc liên quan đến tài sản đấu giá đều được các Chấp hành viên thảo luận, nghiên cứu hồ sơ trước khi thực hiện nhiệm vụ.
Là người có nhiều năm thực hiện kê biên tài sản THADS, anh Tạ Văn Thiển, Phòng Kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh cho biết: khi kê biên tài sản đưa ra đấu giá nhiều khi người phải thi hành án (thậm chí người thân, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan) tìm cách không cho xem, không hợp tác với các cơ quan chức năng để quảng bá giới thiệu tài sản. Có trường hợp người muốn mua tài sản THADS còn bị xua đuổi, đe dọa, kể cả hành hung... vô hình trung không thể hiện được giá trị đích thực của tài sản. Do đó, quy định của Luật đấu giá tài sản cần bổ sung quy định cụ thể về các trường hợp tiếp cận thực tế với tài sản đấu giá để THADS.
Tại khoản 4, Điều 27, Nghị định 62/2015/NĐ-CP quy định: “Trong thời gian chưa giao được tài sản, cơ quan THADS làm thủ tục đứng tên gửi số tiền đó vào ngân hàng theo hình thức gửi tiền có kỳ hạn 1 tháng cho đến khi giao được tài sản, phần lãi tiền gửi được cộng vào số tiền gửi ban đầu để thi hành án; trường hợp không giao được tài sản thì phần lãi tiền gửi thuộc về người mua được tài sản bán đấu giá, trừ trường hợp có thỏa thuận hoặc pháp luật quy định khác”. Ngay tại quy định này, người mua được tài sản đấu giá vừa được khoản tiền lãi trong thời gian chưa giao được tài sản, lại vừa được yêu cầu bồi thường trong trường hợp chậm giao tài sản, trong khi đó, người phải thi hành án phải chịu lãi chậm trả vừa không còn quyền sở hữu tài sản của mình, đây cũng thực sự là lỗ hổng của pháp luật cần được giải quyết.
Cũng theo ông Nguyễn Tuyên, Cục trưởng Cục THADS, để góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thời gian tới, khi sửa đổi Luật Đấu giá tài sản cần nghiên cứu các cơ chế đặc thù về trình tự, thủ tục đấu giá tài sản THADS để đảm bảo tính đồng bộ, hạn chế tối đa những rủi ro với loại tài sản mang tính đặc thù. Về lâu dài, có thể nghiên cứu các mô hình đấu giá của quốc tế, chọn lọc, áp dụng phù hợp với bối cảnh Việt Nam để đưa công tác này ngày càng đi vào thực chất.
Gửi phản hồi
In bài viết