Vượt bão đón Xuân

- Năm 2024 được ghi nhận là năm vô cùng khó khăn với ngành Nông nghiệp. Chỉ riêng trận lũ lịch sử hồi tháng 9 đã làm thiệt hại 10% giá trị kinh tế của ngành. Với quyết tâm vượt bão, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự đồng tâm hợp lực của các doanh nghiệp, hợp tác xã, người nông dân, sản xuất nông nghiệp của tỉnh đã nhanh chóng được khôi phục, giữ vững tốc độ tăng trưởng của ngành trên 4,6%/năm.

Bão bủa vây

Chưa có năm nào ngành Nông nghiệp phải đối diện với nhiều khó khăn, thử thách như năm 2024. Những tháng đầu năm, thời tiết diễn biến phức tạp. Hạn hán, mưa bão liên tiếp xảy ra ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp. Đỉnh điểm trận mưa lũ hoàn lưu cơn bão số 3 hồi đầu tháng 9. Theo báo cáo của Văn phòng Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, trận lũ lịch sử hồi tháng 9-2024 đã làm hơn 6.200 ha lúa, hoa màu bị đổ, ngập úng; gần 3.000 ha cây trồng hằng năm, lâu năm, cây ăn quả bị ảnh hưởng; gần 50.000 con gia súc, gia cầm và các loại vật nuôi khác bị chết, cuốn trôi; gần 1.000 ha rừng trồng bị gãy đổ; 499 ha diện tích nuôi cá và 527 lồng nuôi cá bị vỡ…

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham quan mô hình thử nghiệm giống lúa mới.

Đồng chí Nguyễn Đại Thành, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Theo tính toán, trận lũ chưa từng có trong lịch sử nhiều năm qua đã làm thiệt hại 10% giá trị kinh tế của ngành.

Cùng với cơn đỏng đảnh của thời tiết, ngành Nông nghiệp còn phải đối diện những “cơn bão” từ thị trường thế giới và những tồn tại từ sản xuất trong nước. Giá vật tư sản xuất; thức ăn chăn nuôi tăng cao, trong khi giá bán sản phẩm lại sụt giảm đã ảnh hưởng không nhỏ đến chuỗi sản xuất cung ứng trong các ngành hàng như: chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản…

Vượt bão

Nếu như những cơn bão của thiên nhiên, bão từ thị trường với áp lực cạnh tranh gay gắt định hình dấu ấn về một năm quá đỗi khó khăn với ngành Nông nghiệp và nhà nông thì thành quả đạt được trong năm 2024 lại làm nên dấu ấn về một năm vượt “bão”.

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thực hiện đồng bộ các giải pháp. Trọng tâm cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng hóa, tập trung vào các sản phẩm chủ lực, đặc sản theo chuỗi liên kết đảm bảo chất lượng, giá trị gia tăng cao gắn với xây dựng nông thôn mới; tạo điều kiện thu hút nhiều hơn doanh nghiệp, các hợp tác xã đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; đẩy mạnh sản xuất nhất là hai nhóm sản phẩm lớn là lương thực, thực phẩm, đáp ứng đủ nhu cầu sinh hoạt, tiêu dùng của nhân dân và xuất khẩu. Kết thúc năm 2024, ngành Nông nghiệp đã vượt chỉ tiêu được giao, tạo nên những con số đầy ấn tượng: Sản lượng mía vượt 21%; sản lượng sữa tươi vượt 19%; diện tích trồng rừng vượt 10,5%; sản lượng chè vượt 1,8%; sản lượng thịt hơi tăng 6%... Ước tính giá trị sản xuất ngành năm đạt trên 4,6%. Ngoài các sản phẩm xuất khẩu truyền thống như chè, gỗ rừng trồng, lần đầu tiên với rất nhiều nỗ lực của ngành, của các chủ thể 7 sản phẩm OCOP của tỉnh đã “có vé” xuất khẩu qua đường chính ngạch vào thị trường châu Âu.

Điểm sáng nữa của ngành Nông nghiệp trong năm 2024, lần đầu tiên rừng trồng của Tuyên Quang đã chính thức được Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam cấp mã số vùng trồng rừng nguyên liệu cho rừng Tuyên Quang. Đây là bước đi rất lớn không chỉ nâng cao giá trị rừng trồng, phục vụ xuất khẩu mà còn góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng Tuyên Quang trở thành trung tâm chế biến rừng trồng của cả nước.  

Những thành quả trên cho thấy sự phát triển của ngành Nông nghiệp không chỉ định hình bởi con số định lượng mà còn cho thấy những chuyển biến về chất.

Đồng chí Nguyễn Đại Thành, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tự tin khẳng định: Những thành quả trên đã mang đến sức xuân mới giúp ngành có thêm xung lực để thực hiện mục tiêu trong giai đoạn tiếp theo đồng thời củng cố vị trí trụ đỡ của ngành với các ngành kinh tế khác.

Minh Thư

Tin cùng chuyên mục