Hành trình sản xuất xanh

- Tận dụng tối đa những gì sẵn có và không bỏ phí bất cứ thứ gì trong quá trình sản xuất, người nông dân xứ Tuyên đang dần thay đổi tư duy sản xuất để dệt nên những mùa xuân xanh cho đồng ruộng.

Chuyện những nông dân làm nông nghiệp sạch

Về vùng chuyên canh rau tại xã Thanh Tương của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Tâm Hương trong những ngày giáp Tết, gặp Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp Tâm Hương (Na Hang) - Nguyễn Đình Tâm cùng hàn huyên chuyện đồng áng, chuyện sản xuất nông nghiệp tuần hoàn.

Anh Tâm kể, ban đầu anh liên kết với các hộ dân để thực hiện mô hình sản xuất tuần hoàn cũng gặp không ít khó khăn. Bởi một thời gian rất dài, người nông dân đã quá quen với việc khai thác của đất mà không hề quan tâm đến việc trả lại dinh dưỡng cần thiết cho đất. Sản xuất như vậy chỉ mang lại cái lợi trước mắt là cây trồng sinh trưởng, phát triển nhanh nhưng hậu quả sau đó thì không ai khác là người nông dân phải gánh chịu, đất bạc màu, chai cằn nguy cơ hoang hóa rất cao đồng nghĩa với sinh kế của họ bị đe dọa.

Thay đổi tư duy sản xuất, trả lại cho đất những gì vốn có, vị Giám đốc Tâm đã kỳ công tổ chức một mô hình sản xuất nông nghiệp tuần hoàn. Đó là chăn nuôi được gắn chặt với trồng trọt, nguồn phế phẩm của quy trình này sẽ là nguyên liệu đầu vào của quy trình khác. Theo lời Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Tâm Hương, anh có cả hệ thống trang trại chăn nuôi gà đen và lợn bản với quy mô cả nghìn con. Nguồn phân từ chăn nuôi sẽ được HTX thu gom xử lý bằng phương pháp ủ hoai, trước khi cung ứng cho các hộ liên kết trồng rau, trồng dược liệu và hoàn toàn nói không với phân bón vô cơ.

Mô hình trồng thanh long hữu cơ của bà Đào Thị Kim Oanh, thôn 1 Minh Phú, xã Yên Phú (Hàm Yên).

Áp dụng quy trình sản xuất tuần hoàn, đã tiết kiệm tối đa chi phí đầu vào, các thành viên và người nông dân liên kết sản xuất với HTX đều không thể ngờ rằng, trên đồng ruộng ấy, trước đây trồng cấy cây gì cũng khó, vậy mà giờ những cây rau vốn được coi là “khó tính” như su hào, bắp cải, cà chua, súp lơ baby, cải kale…lại bén rễ, gắn với đất Na Hang gần như cả 4 mùa. Rau trồng theo quy trình chuẩn hữu cơ của HTX đang được cung ứng cho thị trường thành phố Tuyên Quang, những phế phẩm sau khi thu hoạch rau sẽ được quay lại làm thức ăn cho gà, cho lợn… nên khách hàng hoàn toàn yên tâm về chất lượng sản phẩm của HTX để sử dụng cho bữa ăn hàng ngày và mâm cơm ngày Tết - Giám đốc Tâm khẳng định.

Mô hình chăn nuôi tuần hoàn của Hợp tác xã Hoàng Thức, xã Yên Nguyên (Chiêm Hóa) đã và đang mang lại luồng gió mới cho sản xuất nông nghiệp. Chị Nguyễn Thị Uyên, Giám đốc HTX hào hứng kể: Chăn nuôi quy mô lớn nên mọi thứ đều phải tính toán kỹ lưỡng ngay từ ban đầu nên 10 năm có lẻ phát triển mô hình chăn nuôi là chừng ấy năm chị thực hiện sản xuất tuần hoàn.

Quy trình sản xuất của HTX đã được khép kín thông qua việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ sinh học mà các chất thải, phế phụ phẩm được tái chế, quay lại làm nguyên liệu đầu vào cho quá trình trồng trọt, chế biến, tạo ra sản phẩm an toàn và giảm ô nhiễm môi trường. Theo lời chị Uyên, HTX chăn nuôi trâu, bò vỗ béo với quy mô 250 - 300 con/lứa. Toàn bộ nguồn chất thải, phế thải quá trình chăn nuôi sẽ được thu gom để nuôi giun trùn quế. Trùn quế lại là nguồn thức ăn để chăn nuôi lươn không bùn, phân của trùn quế lại được mang đi chăm bón cho diện tích cỏ, cây ngô để lấy thức ăn cho đàn trâu, bò.

Dệt những mùa xuân xanh

Sản xuất nông nghiệp tuần hoàn đang là xu hướng được ngành nông nghiệp khuyến khích đưa vào sản xuất, đây là chu kỳ sản xuất theo hướng khép kín, tận dụng các lợi thế trong quá trình sản xuất nhằm gia tăng chuỗi giá trị, làm giàu cho đất mang lại những mùa xuân xanh cho nông nghiệp.

Giám đốc Hợp tác xã Hoàng Thức, Nguyễn Thị Uyên nói trong sự mãn nguyện: Lợi nhuận từ nuôi trâu, bò, lươn khoảng 500 - 600 triệu đồng/năm nhưng cái mà chị tâm đắc và hài lòng hơn cả là không bỏ phí bất kỳ thứ gì, phế phẩm của chu trình này lại là nguồn nguyên liệu của một chu trình khác, tất cả đều được đi theo một tuần hoàn, giảm thiểu tác hại đến môi trường và trả lại cho đất những gì vốn thuộc về đất.

Giám đốc Hợp tác xã Tâm Hương - Nguyễn Đình Tâm chia sẻ, sản xuất tuần hoàn là làm giàu cho đất để vạn vật sinh sôi và làm giàu cho chính mình.

  Trồng rau hữu cơ theo mô hình sản xuất nông nghiệp tuần hoàn của HTX Dịch vụ nông nghiệp Tâm Hương (Na Hang).

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến hết năm 2024, diện tích sản xuất nông nghiệp tốt trên địa bàn tỉnh đã đạt trên 3.200 ha, tăng gần gấp đôi so với năm 2020 và có rất nhiều các trang trại áp dụng quy trình sản xuất tuần hoàn.

Tiến sĩ Hà Phúc Mịch, Chủ tịch Hiệp hội Hữu cơ Việt Nam, người con của đất Tuyên Quang, người có công rất lớn trong việc giúp người nông dân quay trở lại sản xuất tuần hoàn cho rằng: Sản xuất nông nghiệp tuần hoàn đang là xu hướng được ngành nông nghiệp khuyến khích đưa vào sản xuất, đây là chu kỳ sản xuất theo hướng khép kín, tận dụng các lợi thế trong quá trình sản xuất nhằm gia tăng chuỗi giá trị cho ngành nông nghiệp.

Sản xuất nông nghiệp tuần hoàn chính là thông qua việc đưa nguồn phụ phẩm nông nghiệp làm chất xúc tác hoặc tạo các sản phẩm có giá trị khác. Mô hình này là tiết chế hóa, gắn liền với hạn chế sử dụng phân hóa học, thuốc trừ sâu, thuốc thú y, thuốc tăng trưởng trong trồng trọt và chăn nuôi và đặc biệt là hướng đến phát triển kinh tế xanh và bền vững…

Trả lại cho đất những gì lấy đi từ đất, hành trình làm nông nghiệp tử tế của những vị giám đốc Tâm, Oanh và nhiều người nông dân nữa đã mang lại hiệu quả, sức lan tỏa sẽ rộng rãi. Vì sự tử tế trong bất cứ lĩnh vực nào cũng đều là đạo, là con đường duy nhất để phát triển bền vững, nông nghiệp lại càng cần phải tử tế, giảm phát thải góp phần thực hiện các cam kết của Việt Nam, giảm phát thải ròng để ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu.

Chủ tịch Hiệp hội Hữu cơ Việt Nam, Tiến sĩ Hà Phúc Mịch bảo, ông rất mừng  khi các chủ thể HTX, người nông dân quê mình đã nhận thức đúng, dần quay trở lại với sản xuất nông nghiệp thuận tự nhiên của cha, ông hay nói cách khác là sản xuất tuần hoàn, sản xuất hữu cơ để dệt cho tương lai những mùa xuân xanh, bền vững.

Đoàn Thư

Tin cùng chuyên mục