Sản phẩm OCOP khẳng định vị thế trên thị trường

- Thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đến nay, Tuyên Quang đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận, tạo cơ hội cho các loại nông sản của địa phương khẳng định vị thế trên thị trường. Từ sự lan tỏa của chương trình, nhiều nông sản đã được các chủ thể đầu tư, phát triển sản xuất trở thành sản phẩm OCOP, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho người dân.

Nâng tầm sản phẩm

Không biết nghề làm lạp xường lợn đen ở xã Thượng Lâm (Lâm Bình) có từ bao giờ. Chỉ biết cứ đến gần Tết cổ truyền, nhà nhà, người người lại tất bật làm lạp xường để dùng trong nhà và quà biếu người thân, bạn bè. Nắm bắt nhu cầu đó, Tổ hợp tác Hoa Chuyên, thôn Bản Chợ, xã Thượng Lâm với 5 thành viên, do chị Trần Thị Hoa làm tổ trưởng đã ra đời. Năm 2023, sản phẩm lạp xường lợn đen Thượng Lâm của Tổ hợp tác được UBND tỉnh công nhận sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao.

Chị Trần Thị Hoa bộc bạch: Để làm nên những chiếc lạp xường tươi ngon, mang cái hương vị lợn đen Thượng Lâm, người làm phải có tâm, không chạy theo lợi nhuận đơn thuần. Riêng đối với Tổ hợp tác thì chúng tôi cố gắng làm các thủ tục để sản phẩm đạt chứng nhận OCOP. Đây là cách chúng tôi khẳng định thương hiệu lạp xường của đồng bào Tày Lâm Bình”.

Nếu như trước đây, các thành viên sản xuất, kinh doanh lạp xường chỉ sản xuất theo phương thức thủ công thì hiện nay, tất cả công đoạn đều làm bằng máy. Sản phẩm được hút chân không, đóng gói đẹp mắt là món quà ý nghĩa cho những ngày tết đến, xuân về.

Đồng chí Nguyễn Thế Giang, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và đại biểu tham quan các gian hàng tại tuần hàng thương mại, nông sản, du lịch, đầu tư kết nối tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Tuyên Quang năm 2024.

Những ngày cận Tết, các thành viên HTX trái cây hữu cơ Chiêu Yên (Yên Sơn) tất bật thu hái cam. Anh Nguyễn Văn Thái, Giám đốc HTX trái cây hữu cơ Chiêu Yên cho biết, năm 2023, sản phẩm cam lòng vàng Chiêu Yên đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao, vườn cam của HTX đã được thị trường đón nhận, kể cả các siêu thị lớn ở Hà Nội. Vụ cam năm nay, 16 ha cam hữu cơ của HTX cho năng suất đạt khoảng 30 tấn/ha. Với giá bán tại vườn hơn 14.000 đồng/kg, trừ chi phí, HTX sẽ thu lãi khoảng 3 tỷ đồng.

“Chúng tôi đang phấn đấu để đưa thật nhiều sản phẩm chất lượng ra thị trường và nhắm đến cả việc xuất khẩu trong tương lai. Cùng với đó, chúng tôi tiếp tục chăm sóc cam theo hướng an toàn sinh học; nghiên cứu và hoàn thiện bao bì, nhãn mác sản phẩm cam lòng vàng Chiêu Yên để hướng đến đạt chuẩn OCOP 4 sao vào những năm tới” anh Thái chia sẻ.

Sau 2 năm tham gia Chương trình OCOP, sản phẩm  trà túi lọc đậu đen xanh lòng của HTX Nông nghiệp hữu cơ Hồng Phát (Chiêm Hóa) đã được công nhận đạt chất lượng OCOP 4 sao. 

Giám đốc HTX Nông nghiệp hữu cơ Hồng Phát Phạm Thị Hồng cho biết: Chương trình OCOP đã mang lại những giá trị tích cực góp phần nâng tầm thương hiệu sản phẩm của HTX. Hiện nay, sản phẩm trà túi lọc đậu đen xanh lòng đã có mặt ở 52/63 tỉnh thành. Đặc biệt, năm 2024, trà túi lọc đậu đen xanh lòng được lựa chọn là 1 trong 7 sản phẩm nông sản được chọn xuất khẩu vào thị trường Anh quốc. Để giữ vững và mở rộng thị trường, thời gian tới, HTX tiếp tục nâng tầm sản phẩm, nâng cao chất lượng trà”.

Các sản phẩm OCOP của tỉnh được xuất khẩu sang thị trường Vương Quốc Anh.

Vươn xa cùng OCOP

Mục tiêu của Chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị. Do đó, các ngành, địa phương đã rà soát, vận động những cơ sở sản xuất, chủ thể kinh tế có sản phẩm tiềm năng để hỗ trợ, hướng dẫn, định hướng, tư vấn nâng cấp, hoàn thiện các sản phẩm theo hướng chuẩn hóa chất lượng; xây dựng nhãn hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm. Qua đó, hàng trăm chủ thể sản xuất đã tập trung đầu tư nâng cao chất lượng, hoàn thiện các tiêu chí sản phẩm, nỗ lực cải thiện kỹ năng phát triển thị trường cho sản phẩm.

Đến nay, toàn tỉnh có 221 sản phẩm OCOP được đánh giá, phân hạng từ 3 - 4 sao. Trong đó, có 1 sản phẩm chè Shan tuyết Hồng Thái (Na Hang) đang chờ được nâng hạng lên 5 sao. Hầu hết sản phẩm OCOP đều có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, được hoàn thiện tiêu chuẩn chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, nhãn hiệu tập thể, đã mang lại lợi ích cho cả người sản xuất lẫn người tiêu dùng và từng bước khẳng định thương hiệu sản phẩm nông nghiệp xứ Tuyên.

Nhiều sản phẩm của Công ty TNHH Thảo dược liệu Tuệ Tâm đạt OCOP 3 sao, 4 sao của tỉnh.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Hùng thông tin: Thời gian qua, Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh đã đạt những kết quả nhất định, tạo sức lan tỏa rộng rãi trong toàn hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở; nhận thức của các chủ thể về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc phát triển các sản phẩm OCOP được nâng lên rõ rệt; phát huy sức mạnh, vai trò của cộng đồng trong bảo tồn và phát triển sản phẩm truyền thống của địa phương; đồng thời, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, thúc đẩy kinh tế nông nghiệp, nông thôn phát triển.

Thời gian tới, để các sản phẩm OCOP của tỉnh thiết lập chỗ đứng vững chắc trên thị trường, ngành Nông nghiệp tỉnh sẽ phối hợp các ngành, địa phương tiếp tục tuyên truyền, hỗ trợ các chủ thể khai thác, nâng cấp các sản phẩm; đồng thời, sẵn sàng hỗ trợ để các chủ thể mở rộng sản xuất khi sản phẩm đã chiếm lĩnh được thị trường tiêu thụ. Ngoài ra, ngành Nông nghiệp tỉnh cũng sẽ đẩy mạnh triển khai ứng dụng kinh tế số trong việc triển khai các sản phẩm OCOP để thuận tiện cho việc xúc tiến thương mại, ổn định đầu ra cho sản phẩm.

Lý Thu

Tin cùng chuyên mục