Người dân xếp hàng chờ tiêm vắc xin phòng COVID-19 do AstraZeneca sản xuất ở Madrid,
Tây Ban Nha, ngày 6-4-2021 - Ảnh: REUTERS
Hộ chiếu vắc xin là cách nói chỉ những hình thức yêu cầu người đi du lịch chứng minh đã được tiêm vắc xin ngừa COVID-19 đầy đủ. Hiện chưa có bằng chứng chắc chắn là người đã tiêm vắc xin phòng COVID-19 không làm lây lan virus cho người khác.
Bà Margaret Harris, người phát ngôn của WHO, cho biết: "Ở thời điểm này, WHO khẳng định chúng tôi không muốn hộ chiếu vắc xin (chứng nhận đã tiêm vắc xin) trở thành một yêu cầu để cho phép người dân xuất cảnh, nhập cảnh".
Bà khẳng định WHO và các chuyên gia y tế không thể chắc chắn liệu người đã tiêm vắc xin có không làm lây lan virus gây bệnh COVID-19 hay không. Ngoài ra, yêu cầu về hộ chiếu vắc xin cũng đặt ra câu hỏi về việc phân biệt đối xử với những người không có điều kiện tiêm vắc xin vì lý do này hay lý do khác.
Mỹ, nơi đã có khoảng 30% dân số được tiêm ít nhất một liều vắc xin, cũng rất tranh cãi trong vấn đề hộ chiếu vắc xin. Trong một cuộc phỏng vấn với Politico Dispatch ngày 5-4, bác sĩ Anthony Fauci, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm hàng đầu của Mỹ, nói: "Tôi nghi ngờ là chính phủ liên bang sẽ triển khai mô hình hộ chiếu vắc xin".
Trong tuần tới, bang California sẽ cho phép các điểm tổ chức sự kiện yêu cầu người tham gia phải có bằng chứng đã tiêm vắc xin hoặc âm tính với COVID-19 thì mới được vào.
Ngược lại, bang Florida cấm áp dụng hộ chiếu vắc xin. Các nghị sĩ Đảng Cộng hòa cho rằng triển khai hộ chiếu vắc xin là xâm phạm quyền riêng tư và tìm cách cấm áp dụng nó.
Cũng liên quan đến vắc xin, trong tháng 4-2021, theo bà Harris, WHO sẽ xem xét dữ liệu của vắc xin phòng COVID-19 do hai công ty Trung Quốc là Sinopharm và Sinovac sản xuất. Nếu đáp ứng các điều kiện, vắc xin của hai công ty này cũng sẽ được cấp phép sử dụng khẩn cấp.
Gửi phản hồi
In bài viết