Ảnh minh họa.
Sáng kiến mới, có tên gọi CorePC, cho phép Windows hỗ trợ đa nền tảng tốt hơn đáng kể, đồng thời vẫn tương thích với các ứng dụng truyền thống.
Ở góc độ nào đó, CorePC có mục tiêu gần giống Windows Core OS (còn được biết đến với tên gọi Windows 10X) - mà Microsoft đã từ bỏ trước đây. Trong cách tiếp cận mới, CorePC sẽ gần tương tự như iOS và Andoird, khi chia Windows ra nhiều phân vùng lưu trữ khác nhau trên ổ cứng, khiến các phần mềm mã độc khó lây nhiễm hơn, trong khi việc cập nhật, nâng cấp dễ dàng hơn.
Theo các chuyên gia công nghệ, Windows hiện nay nằm trọn vẹn trên một phân vùng ổ lưu trữ, bao gồm cả các tập tin hệ thống, dữ liệu của người dùng, ứng dụng… đồng nghĩa với sự bị động và rủi ro cao.
Cùng với đó, CorePC sẽ cho phép Microsoft cung cấp nhiều phiên bản Windows cho những nền tảng phần cứng khác nhau, thậm chí tối ưu hóa tính năng và các ứng dụng đi kèm riêng biệt. Ví dụ, phiên bản phục vụ mục tiêu giáo dục sẽ rất gọn nhẹ (như ChromeOS của Google), chỉ chạy trình duyệt Edge và một số ứng dụng web, Office… Trong khi đó, phiên bản dùng cho máy tính cá nhân thông thường có thể tích hợp đầy đủ mọi thứ mới và tiên tiến nhất.
Đáng chú ý, CorePC cũng sẽ cho phép tạo ra một phiên bản Windows đủ sức cạnh tranh với Apple Silicon - thứ đang giúp những chiếc máy tính Mac với M1 và M2 làm mưa, làm gió trên thị trường công nghệ. Nhờ thế, Microsoft cũng có thể tung ra một hệ sản phẩm máy tính với phần cứng chuyên biệt, tối ưu hóa cao cho hệ điều hành cũng chuyên biệt, để có hiệu năng và trải nghiệm ưu việt hơn.
Ngoài các yếu tố kỹ thuật, một trong những thay đổi quan trọng của Windows mới sẽ là sự hiện diện dày đặc của các giải pháp trí tuệ nhân tạo (AI), ví dụ như phân tích và hiển thị các nội dung trên màn hình, cung cấp và gợi ý các nội dung theo mục đích của người dùng…
Theo lộ trình truyền thống, Windows 12 - đại diện đầu tiên của CorePC - sẽ có mặt chính thức trong năm 2024.
Gửi phản hồi
In bài viết