Đồng bộ, thống nhất trong quản lý tài nguyên nước

- Luật Tài nguyên nước năm 2012 qua gần 10 năm thực hiện đã góp phần tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của toàn xã hội về bảo vệ, khai thác sử dụng tài nguyên nước. Tài nguyên nước được quản lý, sử dụng hiệu quả, bền vững hơn, mang lại nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.

Công trình cấp nước tập trung xã Kim Quan (Yên Sơn) được đầu tư xây dựng phục vụ nhu cầu của người dân.

Tuy nhiên, trong điều kiện biến đổi khí hậu, khai thác tài nguyên nước để phục vụ các chương trình phát triển kinh tế - xã hội khiến chất lượng tài nguyên nước suy giảm, đặt ra nhiều thách thức lớn. Bên cạnh đó, có nhiều chủ trương mới về quản lý tài nguyên và yêu cầu thực tiễn về bảo vệ, phục hồi để bảo đảm an ninh tài nguyên nước quốc gia. Một số nội dung của Luật Tài nguyên nước năm 2012 thực thi chưa hiệu quả, khó khăn khi triển khai trên thực tế do có sự giao thoa với pháp luật khác và giao thoa trong quá trình tổ chức thực hiện; tài nguyên nước chưa được quản lý tổng hợp, thống nhất…Từ thực tế đó đòi hỏi cần thiết phải nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Tài nguyên nước năm 2012.

Ông Phạm Đình Tứ, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, Dự thảo Luật Tài nguyên nước sửa đổi gồm 10 chương và 87 điều. Trong đó, giữ nguyên 19 điều; sửa đổi, bổ sung 55 điều, bổ sung mới 13 điều và bãi bỏ 5 điều so với Luật Tài nguyên nước năm 2012.

Mục tiêu của việc sửa đổi Luật Tài nguyên nước là tạo lập hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; chú trọng phòng ngừa, kiểm soát và phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt và ô nhiễm. Đồng thời, phân định rõ trách nhiệm quản lý nguồn nước và trách nhiệm quản lý công trình khai thác nước cả Trung ương và địa phương khắc phục các chồng chéo, xung đột pháp luật; đảm bảo an ninh tài nguyên nước quốc gia; chú trọng phòng ngừa, kiểm soát và phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt và ô nhiễm.

Dự thảo Luật Tài nguyên nước tách bạch quản lý tổng hợp thống nhất về tài nguyên nước với quản lý, vận hành công trình khai thác, sử dụng nước (công trình thủy lợi, thủy điện, cấp nước đô thị, nông thôn...); chuyển dần từ quản lý bằng công cụ hành chính sang quản lý bằng công cụ kinh tế thông qua các quy định về giá nước, thuế, phí, lệ phí, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước…Anh Nguyễn Khánh Dư, cán bộ Quản lý công trình cấp nước sinh hoạt xã Tân Tiến (Yên Sơn) cho biết, việc quản lý nước bằng biện pháp kinh tế sẽ nâng cao ý thức, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân sử dụng tiết kiệm và bảo vệ tài nguyên nước.

 Người dân xã Ninh Lai (Sơn Dương) được sử dụng nước sạch từ chương trình nước sạch nông thôn.

Dự thảo Luật lần này bổ sung các quy định về trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong việc bảo vệ tài nguyên nước. Trong đó, Ủy ban nhân dân tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo UBND các cấp thực hiện biện pháp theo dõi, giám sát, bảo vệ chất lượng nước có mục đích cấp sinh hoạt tại các địa phương. Một điều liên quan đến bảo vệ chất lượng sinh hoạt hoặc là liên quan đến vấn đề khai thác nước sinh hoạt, trong đó làm rõ trách nhiệm của các ngành trong dòng chảy của nước (đường đi của nước gọi là từ nguồn đến vòi). Trong đó, ngành Tài nguyên Môi trường có trách nhiệm quản lý nguồn để đảm bảo đủ nguồn nước để cấp cho các nhà máy nước; khi nước đã vào bên trong hệ thống thì lúc đó sẽ là trách nhiệm của ngành Xây dựng để đảm bảo an toàn của hệ thống cấp nước.

Đối với đầu ra của nước, thuộc trách nhiệm của ngành Y tế trong việc kiểm soát chất lượng nước, đặc biệt là chất lượng nước sinh hoạt phục vụ nhân dân. Dự thảo Luật cũng quy định trách nhiệm của các địa phương - nơi có các công trình trong việc tổ chức thực hiện giải pháp bảo vệ các nguồn nước; phòng ngừa các đối tượng xả thải trái phép hoặc các đối tượng có mục đích gây ảnh hưởng xấu đến chất lượng sinh hoạt.

Bên cạnh đó, một số nội dung được chỉnh sửa, bổ sung mới như: Hệ thống thông tin, dữ liệu tài nguyên nước; bảo vệ nước dưới đất, các loại hình công trình khai thác, công trình sử dụng nước phải có giấy phép; bổ sung nhân tạo nước dưới đất, phòng, chống hạn hán, lũ, lụt, ngập úng nhân tạo; bảo vệ lòng, bờ, bãi sông, hồ; phương án xử lý đối với các công trình khai thác sử dụng nước kém hiệu quả gây suy thoái cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước.

Đánh giá của ngành chuyên môn với những quy định mới tại Dự thảo Luật Tài nguyên nước sửa đổi sẽ tạo hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất trong quản lý tài nguyên nước hiệu quả, bền vững nhất, đóng góp vào mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của quốc gia, vùng, địa phương.   

  Bài, ảnh: Đoàn Thư

Tin cùng chuyên mục