Ngày nước thế giới 2023: Thúc đẩy sự thay đổi

- Với chủ đề “Thúc đẩy sự thay đổi”, Ngày nước thế giới 22-3-2023, Liên hiệp quốc kêu gọi mọi người cùng hành động để giải quyết cuộc khủng hoảng về nước và vệ sinh môi trường.

Không lấy nước máy để tưới rau, bà Hoàng Thị Liên, thôn Từ Lưu, xã Hoàng Khai (Yên Sơn) tận dụng tối đa nguồn nước từ hồ dẫn qua hệ thống kênh mương về ao để bơm tưới cho cây trồng. Bà Liên chia sẻ, “nước máy tiện lợi hơn rất nhiều, xả van, nối ống là tưới được nhưng tiếc lắm!”. Theo bà Liên, để lấy được nước từ hồ về bà phải khơi thông hệ thống kênh mương dẫn nước, tích vào ao, tiếp đó mới sử dụng máy để bơm tưới có vất vả nhưng tiết kiệm được nguồn nước sạch chia sẻ cơ hội cho nhiều người khó khăn được tiếp cận nguồn nước sạch. Tiết kiệm nước tưới, bà Liên áp dụng biện pháp như che phủ nilon, sử dụng rơm rạ trải lên luống rau để giữ ẩm cho cây, giảm sự bay hơi của nước.  

Người dân thôn Từ Lưu, xã Hoàng Khai (Yên Sơn) tận dụng nguồn nước để tưới cho cây trồng.

Hợp tác xã Sản xuất chè Ngân Sơn, xã Trung Yên (Sơn Dương) đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt nhằm tiết kiệm tối đa nguồn nước. Anh Nguyễn Mạnh Thắng, Giám đốc HTX cho biết, 20 ha chè của HTX đã được lắp đặt công nghệ tưới phun mưa tự động. Với công nghệ này tiết kiệm được rất nhiều nước, cây chè sinh trưởng, phát triển tốt, năng suất đạt 90 - 100 tấn/ha/năm, tăng hơn 10 tấn/ha/năm so với trước kia.

Đánh giá của Sở Tài nguyên và Môi trường, bên cạnh sự thay đổi nhận thức sử dụng tiết kiệm tài nguyên nước của đông đảo người dân, vẫn còn một bộ phận thiếu ý thức trong việc bảo vệ tài nguyên nước. Tình trạng người dân xả rác xuống ao, hồ, sông, suối gây ô nhiễm nguồn nước mặt vẫn đang diễn ra làm mất khả năng sử dụng nước cho các mục đích khác, ảnh hưởng đến môi trường và cuộc sống của cả cộng đồng.

Con suối xã Cấp Tiến (Sơn Dương) chảy ra sông Lô, thuộc địa phận thôn Cây Xy đã bị chính người dân nơi đây bức tử. Không biết bao nhiêu túi nilon, rác thải sinh hoạt, sản xuất được trút xuống, làm nghẽn cả dòng chảy. Theo người dân sinh sống, sản xuất quanh khu vực con suối, rác không được thu gom nên nhiều hộ dân vứt xuống, với hy vọng nước sông dâng lên hoặc mưa nước nhiều sẽ cuốn trôi rồi suối lại trở lại sạch sẽ.

Con suối chảy qua địa phận xã Cấp Tiến (Sơn Dương) ứ rác vì hành vi thiếu ý thức của 1 bộ phận người dân.

Trước thực trạng nguy cơ ô nhiễm nguồn nước mặt, Sở Tài nguyên và Môi trường đang đề xuất với tỉnh để thực hiện Đề án đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải và sức chịu tải của các con sông, suối, ao, hồ nhằm đưa ra các giải pháp quản lý nguồn thải. Ông Phạm Đình Tứ, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường khẳng định, sở sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan điều tra, giám sát diễn biến hiện trạng nguồn nước sông, suối, ao, hồ và các hoạt động xả thải; đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải của nguồn nước; phân tích, tính toán, phân bố hạn ngạch xả thải vào các con sông, suối, ao hồ... Đây là cơ sở quan trọng cho biết về hiện trạng môi trường nước, từ đó có những khuyến cáo ngăn ngừa hoạt động làm ô nhiễm nguồn nước. Làm được điều này sẽ kiểm soát, ngăn chặn, hạn chế tình trạng ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước tại các sông, hồ... đảm bảo an ninh nguồn nước và cấp nước an toàn, bền vững cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Theo các chuyên gia ngành Tài nguyên và Môi trường, nước ảnh hưởng đến tất cả cộng đồng nên cần mọi người cùng hành động để thay đổi. Mỗi người dân, hộ gia đình, tổ chức có thể tạo ra sự khác biệt bằng cách thay đổi cách sử dụng, khai thác và quản lý nước trong cuộc sống của mình.          

Bài, ảnh: Đoàn Thư

Tin cùng chuyên mục