Nhịp sống bếp lửa vùng cao

- Hơn 11 giờ trưa mà khung cảnh hai bên con đường nhựa ngoằn ngoèo lên huyện vùng cao Lâm Bình chưa tan mây, cái lạnh vẫn còn tê tái. Đứng ở đỉnh đèo Khau Lắc nhìn xuống trung tâm huyện lỵ, những đám mây vẫn lững lờ trôi khi những tia nắng đang chiếu xuống. Vào mùa đông, nơi đây có nhiệt độ thấp nhất, có khi chỉ còn 3 - 4 độ C. Chính vì vậy mà bếp lửa vùng cao vừa là nơi để đun, nấu vừa mang giá trị văn hóa, không gian sinh hoạt, nét văn hóa đặc trưng của người vùng cao.

Ông Nông Văn Pảo, dân tộc Tày, thôn Nà Đông, xã Thượng Lâm (Lâm Bình) tiếp thêm mấy khúc củi to vào bếp lửa trên căn nhà sàn truyền thống của mình cười bảo, đối với dân tộc Tày khi dựng nhà sàn phải thiết kế một chiếc bếp củi theo đúng quy cách. Người ta lấy đất sét đắp dầy để làm nền bếp, ở giữa có cái kiềng sắt thường là 3 chân. Thần bếp lửa trên nhà sàn sẽ giúp gia chủ xua đuổi tà ma, thú dữ, tạo không khí hanh thông, giúp mọi thành viên khỏe mạnh. Chiếc bếp hằng ngày giúp việc đun nước, nấu ăn thuận lợi. Vào ngày rét đậm, mọi thành viên trong gia đình đều quây quần bên bếp lửa ăn cơm, nướng ngô, khoai, sắn. Khách đến chơi vừa sưởi lửa vừa uống nước chè, trò chuyện. Không khí gia đình, anh em dòng họ, làng xóm gắn kết, mang tính cộng đồng cao.


Lửa then.

Ngày nay kinh tế đi lên, nhiều gia đình có thể sắm bếp gas, bếp từ cho tiện dụng, song vẫn không thể thay thế chiếc bếp củi truyền thống. Bởi chất đốt từ củi thường sẵn, có thể tận dụng và giá rất rẻ. Người Tày có thể đun củi quanh năm, vào mùa đông còn có chức năng sưởi ấm cho cả gia đình. Trên bếp người ta làm một cái giá treo, có thể để bảo quản hạt giống, sấy măng hay treo thịt hun khói. Buổi sáng dậy hay khi đi đâu về các thành viên có ấm nước nóng để rửa mặt mũi, chân tay. Bên cạnh chiếc bếp lửa trên nhà chính, người Tày còn có thêm một chiếc bếp phụ ở gian bếp chuyên để nấu rượu, cám lợn hay hong quần áo. Người Tày cho rằng khói của bếp lửa lâu ngày làm cho ngôi nhà sàn bền hơn. Nhà được sơn một màu bồ hóng, nhuộm màu thời gian.

Mấy ngày đầu Tết dương lịch 2021, nơi rét nhất ở Tuyên Quang có lẽ là xã Hồng Thái (Na Hang). Về đêm, nhiệt độ xuống 2 độ C, cả bản làng chìm trong cái lạnh. Vào những ngày rét đậm, rét hại, các gia đình ở xã Hồng Thái thường ít đi làm, họ tập trung ở nhà sưởi lửa. Bởi mùa này cũng không cấy hái được gì, trâu bò cũng phải quây kín. Sưởi lửa cũng là thời gian các gia đình sống chậm, quây quần đầm ấm bên nhau, tích lũy năng lượng. Đối với người Dao tiền xã Hồng Thái bếp lửa không đặt vị trí trên nhà như người Tày, mà thường để bếp lửa dưới gian bếp. Mọi sinh hoạt về mùa đông đều quanh chiếc bếp lửa. Chị Đặng Thị Dương, chủ một homestay ở thôn Khau Tràng, xã Hồng Thái chia sẻ, không chỉ người dân Khau Tràng mà các khách du lịch cũng thích ngồi bếp lửa uống nước chè, nướng ngô, khoai. Họ thích ăn nhiều món nóng như thịt gà nấu rau cải với canh gừng, hay lá đắng với trứng. Tại bếp lửa các bà, các chị lại mang khăn ra thêu thùa, thi thoảng lại đối đáp mấy làn điệu Páo dung. Còn đàn ông có thể dùng chút rượu ấm, nhấp nháp tý thịt trâu khô vùi tro nóng.

Ở huyện Yên Sơn thì thôn Khuổi Khít, xã Kiến Thiết nằm chon von trên đỉnh Mười - Ba Xứ mây giăng cả ngày. Đối với người Mông nơi đây chiếc bếp lửa vô cùng quan trọng. Dân tộc Mông thường làm bếp bằng cách trình tường đất, mùa đông kín gió. Ngày nay để tiện dụng, người Mông làm bếp bằng cách bưng ván gỗ, trên lợp tấm lợp. Ông Sùng Seo Vần, dân tộc Mông, thôn Khuổi Khít khẳng định, người Mông có thói quen đắp bếp lò, nhiệt lượng nấu nướng sẽ được tập trung cao hơn. Chính vì vậy mà những món đồ, hầm, nấu rượu, thịt hun khói của người Mông được dùng nhiều. Những ngày giá rét hàng xóm sang nhà chơi ít khi ngồi trên nhà chính, mà hay xuống ngồi quây quần đầm ấm bên bếp lửa hồng.

Đối với người Kinh và một số dân tộc khác, tục thờ thần lửa vẫn hiện hữu trong cuộc sống hằng ngày. Hằng năm vào 23 tháng Chạp mọi người đều cúng Táo quân, vị thần cai quản bếp núc. Những việc tốt, xấu của một năm đều do thần lửa quyết định, nên người ta kiêng kỵ đưa những thứ ô uế vào bếp lửa, không đun củi phần ngọn rồi đến phần gốc, mà phải từ gốc đến ngọn. Ngoài ý nghĩa tâm linh, bếp lửa còn có giá trị văn hóa, phong tục, tập quán lâu đời không thể thiếu được của người vùng cao, nên nhà nào cũng bập bùng bếp lửa truyền thống mùa lạnh.

Quang Hòa

Tin cùng chuyên mục