Sức sống từ nguồn quỹ hội

- Những năm qua, đã có hàng nghìn lượt hội viên CCB được vay vốn từ Quỹ tự lập để phát triển sản xuất. Nguồn quỹ này đã góp phần thúc đẩy phong trào phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, nguyện vọng chính đáng của hội viên.

“Ngân hàng chính sách tại chỗ”

Chúng tôi tìm về Chi hội CCB thôn Bắc Triển, xã Kiến Thiết (Yên Sơn) - chi hội có bình quân quỹ cao nhất toàn Hội. Hiện chi hội hiện có 18 hội viên, Quỹ tự lập đạt 106,2 triệu đồng, bình quân 5,9 triệu đồng/hội viên.

Chi hội trưởng Nguyễn Kim Nha nhớ lại, năm 2006, chi hội chỉ có 12 hội viên, hoạt động không hiệu quả vì không có quỹ. Chi hội thống nhất “cùng làm, cùng hưởng” để gây quỹ. Thôn, xã có việc gì là chi hội đảm nhận, huy động 100% hội viên tham gia. Chi hội còn vận động 2 hội viên cho mượn 0,7 ha đất để trồng cây chuối hột, trồng xen canh cây ngô để phát triển quỹ. Hàng năm, mỗi hội viên đóng góp quỹ 220.000 gây quỹ; 100% chân quỹ cho hội viên vay với lãi suất 1%/tháng. Mỗi năm chi hội cho từ 3 - 6 hội viên vay vốn, mức vay từ 5 - 30 triệu đồng/hội viên.

CCB Hà Doãn Thuyên (ngoài cùng bên phải), Ủy viên Ban Kiểm tra Hội CCB xã Xuân Quang (Chiêm Hóa) thực hiện công khai, minh bạch trong quản lý, sử dụng quỹ tự lập tại chi hội.

Hội viên Nguyễn Xuân Đương, Chi hội CCB thôn Ấp Mới, xã Ninh Lai (Sơn Dương) cho biết, năm 2021, chi hội có 3 hội viên được vay vốn 100 triệu đồng. Trong đó, anh được vay 40 triệu đồng duy trì sản xuất gỗ công nghiệp, gia dụng. Trong khi nguồn vốn vay ưu đãi khác hạn hẹp, tiếp cận khó khăn thì từ Quỹ tự lập, hội viên CCB được tiếp cận với nguồn vốn dễ dàng, thuận lợi, lãi suất thấp để phát triển kinh tế. Hội viên vẫn coi quỹ tự lập giống như “ngân hàng chính sách tại chỗ” là bởi vậy. 

Với 199 hội viên, tổng Quỹ tự lập trên 400 triệu đồng, đạt bình quân hơn 2 triệu đồng/hội viên, Hội CCB xã Xuân Quang (Chiêm Hóa) lọt “top” đầu có bình quân quỹ cao của tỉnh. Mỗi năm, có khoảng từ 30 - 40 lượt hội viên được vay vốn phát triển kinh tế. Anh Hà Đức Thiếp, Chủ tịch Hội CCB xã cho biết, nhờ nguồn quỹ, hoạt động Hội sôi nổi hơn, tỷ lệ thu hút, tập hợp hội viên đạt trên 80%.

Ông Bùi Đức Thắng, Chủ tịch Hội CCB tỉnh nhấn mạnh, toàn Hội hiện có 1.729 chi hội, 38.037 hội viên. Hiện nay, 1.686 chi hội có quỹ, chiếm 94,08% tổng số chi hội. Tổng quỹ đạt trên 26,9 tỷ đồng, bình quân đạt 705.600/hội viên, vượt 8,4% so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Hội CCB tỉnh nhiệm kỳ 2017 - 2022. Nguồn vốn đã giúp 4.329 hội viên được vay gần 20,7 tỷ đồng. Nguồn quỹ góp phần thúc đẩy phong trào phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, nguyện vọng chính đáng của hội viên. Hiện toàn Hội số hội viên nghèo chiếm 3,57%, hộ cận nghèo chiếm 5,0%; hộ khá và giàu đạt 64,5%. Tỷ lệ thu hút, tập hợp hội viên hàng năm đạt trên 80%.

Nâng cao chất lượng quỹ tự lập

Hội CCB xây dựng Quỹ tự lập theo hoạt động “chân quỹ”. Đây là việc khó vì nhiều chi hội có bình quân quỹ cao, khoảng vài triệu đồng/hội viên. Song các chi hội có cách làm sáng tạo trong quá trình triển khai nên vừa phát triển được quỹ, vừa kết nạp hội viên mới. Có chi hội tạo điều kiện cho hội viên đóng chân quỹ nhiều lần trong năm. Hay lại có chi hội cho hội viên mới vay luôn vốn phát triển kinh tế nếu được kết nạp.

Hội CCB đưa chỉ tiêu xây dựng Quỹ tự lập vào nghị quyết Đại hội Hội CCB các cấp, chương trình, kế hoạch hàng năm, xây dựng quy chế hoạt động chân quỹ. Các chi hội tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc: xây dựng chân quỹ trên tinh thần tự nguyện của hội viên, trên 90% chân quỹ phải giải ngân hàng năm, còn lại phục vụ cho hoạt động chi hội, chăm lo cho hội viên. Các chi hội thực hiện thu, chi, quyết toán theo quy chế hoạt động chân quỹ; công khai tài chính 6 tháng, 1 năm. Qua chương trình kiểm tra, giám sát định kỳ của tổ chức Hội các cấp, nội dung về đóng góp, quản lý, sử dụng chân quỹ luôn được quan tâm hàng đầu.

Cách đây hơn chục năm, Chi hội nông dân thôn Cây Đa, xã Ninh Lai (Sơn Dương) đang hoạt động bỗng giải thể vì nguồn quỹ chi hội bị “vỡ”. Chi hội trưởng cho hội viên vay vốn nhưng không có sổ sách, giấy tờ. Sau đó, Chi hội trưởng đột ngột qua đời, quỹ không thu hồi  được, hội viên mất lòng tin xin ra khỏi hội. Phải mất 2 năm, hoạt động chi hội mới khôi phục được. Nhìn từ bài học đó, anh Ôn Cát Thành, Chủ tịch Hội CCB xã thấm thía “Mất chân quỹ là mất tổ chức Hội”. Anh đề cao vai trò, trách nhiệm của người Chi hội trưởng; thường xuyên quán triệt, sát sao đến 100% Chi hội trưởng về công tác quản lý, sử dụng chân quỹ. Nếu chi hội nào mất chân quỹ, Chi hội trưởng phải chịu hoàn toàn trách nhiệm.

17 năm qua ông Hà Doãn Thuyên, thủ quỹ Quỹ tự lập chi hội CCB thôn Làng Ải, xã Xuân Quang (Chiêm Hóa), Ủy viên Ban Kiểm tra Hội CCB xã luôn quyết liệt, thẳng thắn phê bình, chấn chỉnh kịp thời nếu chi hội làm chưa tốt một số quy định về quản lý tài chính, sổ sách, kế toán, thống kê… Nhờ sự tâm huyết, trách nhiệm, kỷ luật cao trong thực hiện nhiệm vụ, ông đã góp phần đưa Quỹ tự lập của xã trở thành “điểm sáng” của huyện. Hội CCB xã Xuân Quang hiện có 199 hội viên; 12/12 chi hội xây dựng Quỹ tự lập đạt trên 400 triệu đồng, bình quân đạt trên 2 triệu đồng/hội viên.

Thực hiện phương châm “Hướng mạnh về cơ sở, chăm lo nhu cầu, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và Nhân dân” của Đề án 02 ngày 23-5-2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Hội CCB xác định nâng cao chất lượng hoạt động Quỹ tự lập là  nhiệm vụ, giải pháp trọng yếu, thiết thực nhất. Tổ chức Hội sẽ chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ chi hội; thường xuyên củng cố, kiện toàn, lựa chọn cán bộ chi hội là những người thực sự tâm huyết, trách nhiệm, có phẩm chất đạo đức. Đồng thời, giáo dục, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ chi hội về vai trò, tầm quan trọng của Quỹ tự lập. Phấn đấu đến năm 2022, 100% chi hội có Quỹ tự lập, Quỹ tự lập của chi hội nông thôn đạt 400.000 đồng/người.

Bài, ảnh: Bích Hằng

Tin cùng chuyên mục