Công an thành phố Hà Nội kiểm tra bánh trung thu nhập lậu, không rõ nguồn gốc.
Thu giữ lượng lớn bánh không rõ nguồn gốc
Phòng Cảnh sát môi trường (Công an thành phố Hà Nội) cùng Cục Quản lý thị trường Hà Nội vừa tiến hành kiểm tra cơ sở kinh doanh bánh trung thu tại địa chỉ số 1, ngõ 72, đường La Phù, xã La Phù, huyện Hoài Đức. Qua kiểm tra, cơ quan chức năng đã phát hiện tại đây có 11.130 chiếc bánh trung thu do nước ngoài sản xuất, nhưng chủ hàng không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ.
Trước đó, tại chốt kiểm soát dịch Covid-19 trên tuyến cao tốc Hà Nội - Lào Cai, thuộc địa bàn xã Tân Dân, huyện Sóc Sơn, Phòng Cảnh sát môi trường (Công an thành phố Hà Nội) đã phối hợp Phòng Cảnh sát giao thông và Cục Quản lý thị trường Hà Nội tiến hành kiểm tra đột xuất một xe tải “luồng xanh”. Qua kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện trên xe có hơn 200.000 bánh trung thu không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Trong quá trình làm việc, lái xe không xuất trình được hóa đơn, chứng từ để chứng minh nguồn gốc của số bánh trên…
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên cán bộ Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm (Trường Đại học Bách khoa Hà Nội) lưu ý, người tiêu dùng nên thận trọng trước những loại bánh không có nguồn gốc, tem nhãn không rõ ràng. Bởi, dù là loại bánh nào cũng cần được công khai bảng thành phần, các hương liệu, phẩm màu được sử dụng, tên thương hiệu… rõ ràng để người tiêu dùng tự kiểm chứng, quyết định mua. Thế nhưng, những loại bánh không rõ nguồn gốc thường không ghi rõ thông tin quan trọng nhất, nên người tiêu dùng cần phải lưu ý.
Còn theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, bánh trung thu là sản phẩm theo thời vụ, nên thời hạn sử dụng của bánh cũng không dài. Do đó, nếu nhà sản xuất không đưa các thông tin về nguồn gốc, chứng nhận kiểm định của cơ quan chức năng, ngày sản xuất, hạn sử dụng… lên bao bì sản phẩm, thì tuyệt đối không mua. Bởi, khi sử dụng những sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ như vậy sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe.
“Các loại bánh rõ nguồn gốc, xuất xứ trên thị trường sẽ được các cơ quan kiểm nghiệm đầy đủ. Các chất dùng cho bảo quản, nguồn gốc nguyên liệu, xuất xứ… có tác động đến sức khỏe người tiêu dùng như thế nào đều đã được đánh giá, nên mua những sản phẩm như vậy là an toàn. Thời đại ngày nay, việc tiếp cận thông tin không khó, nên người tiêu dùng có thể dễ dàng tìm hiểu về thông tin sản phẩm, chất lượng nguồn gốc, xuất xứ khi chọn mua”, PGS.TS Nguyễn Thị Lâm nói.
Tăng cường quản lý chất lượng bánh trung thu
Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công Thương) đã đưa ra khuyến cáo, khi lựa chọn và sử dụng bánh trung thu, người tiêu dùng cần chọn các sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, gồm: Tên của nhà sản xuất, địa chỉ nơi sản xuất, có hướng dẫn sử dụng, bảo quản... Sản phẩm phải ghi ngày sản xuất, thời hạn sử dụng và còn hạn sử dụng. Ngoài ra, sản phẩm cần bảo đảm không bị dập nát, biến dạng, bao bì không rách nát, không có màu sắc khác thường, không bị thiu, ẩm mốc, hư hỏng và không có mùi khác lạ.
Nếu mua hàng qua các mạng xã hội, người dùng cần tìm hiểu kỹ thông tin người bán, nguồn gốc sản phẩm, giấy phép của cơ quan quản lý an toàn thực phẩm cũng như đánh giá của người tiêu dùng trước đó. “Tuyệt đối không nên mua ở những Fanpage không có thông tin người bán và không có địa chỉ rõ ràng, hoặc khi hỏi thông tin thì cố tình giấu địa chỉ bán hàng, chỉ nhận đặt hàng qua tin nhắn (inbox), chỉ bán hàng online, chứ không có cửa hàng cụ thể”, Cục Thương mại điện tử và kinh tế số lưu ý.
Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương, Sở Y tế Hà Nội - đơn vị thường trực Ban Chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm thành phố vừa có công văn đề nghị Sở Công Thương Hà Nội và UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các đơn vị chức năng trên địa bàn trong thời gian giãn cách xã hội phòng, chống dịch Covid-19 chủ động phối hợp với các cơ quan truyền thông tăng cường công tác tuyên truyền bảo đảm an toàn thực phẩm trong dịp Tết Trung thu cùng với tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19. Đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, nội dung tuyên truyền là thực hiện nghiêm các quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh, bảo quản, vận chuyển; thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch Covid-19 trong sản xuất, như nguyên tắc “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 điểm đến”.
Còn khi không thực hiện giãn cách xã hội, Sở Công Thương Hà Nội và UBND các quận, huyện, thị xã cần tăng cường triển khai các hoạt động kiểm tra việc chấp hành các quy định về an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn, trong đó tập trung ưu tiên các cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh kẹo, chợ đầu mối... Qua kiểm tra phải xử lý nghiêm các hành vi vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm và công khai tên cơ sở, địa chỉ, sản phẩm vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng. Bên cạnh đó, các địa phương cần chuẩn bị phương án, lực lượng, thường trực phương tiện, vật tư hóa chất để sẵn sàng cấp cứu và điều trị bệnh nhân khi xảy ra ngộ độc thực phẩm, thực hiện biện pháp phòng ngừa nguy cơ ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm.
Gửi phản hồi
In bài viết