Đồng chí Ma Thị Thúy, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu tại buổi làm việc.
Đến ngày 20-8, tổng số lượt người lao động, người sử dụng lao động, hộ kinh doanh được phê duyệt hỗ trợ trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang là trên 30.600 đối tượng, với tổng số tiền hỗ trợ là trên 3,95 tỷ đồng. Trong đó, giảm mức đóng bảo hiểm tại nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là trên 29.600 người, số tiền hỗ trợ là trên 1,34 tỷ đồng; hỗ trợ đối với trẻ em và người đang điều trị Covid-19, cách ly y tế là 275 người, số tiền hỗ trợ trên 512 triệu đồng; hỗ trợ 648 hộ kinh doanh số tiền hơn 1,9 tỷ đồng; hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; hỗ trợ viên chức hoạt động nghệ thuật và người lao động là hướng dẫn viên du lịch; hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất... là trên 150 triệu đồng.
Tại buổi làm việc, Đoàn giám sát và lãnh đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, Bảo hiểm xã hội tỉnh đã trao đổi về những khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai thực hiện chính sách như: Việc thông tin tuyên truyền về chế độ, chính sách hỗ trợ ở một số nơi còn hạn chế; việc chính sách hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp theo Nghị quyết số 68 của Chính phủ và Quyết định số 23 của Thủ tướng Chính phủ; việc người từ vùng dịch trở về địa phương phải thực hiện cách ly y tế chưa có chính sách hỗ trợ cho người lao động vì không phải là đối tượng F0 hoặc F1 theo quy định tại Quyết định số 23 của Thủ tướng Chính phủ; việc hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn của Ngân hàng chính sách xã hội để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất…
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh đề nghị Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị đánh giá toàn diện về các chính sách hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, từ đó đưa ra các dự báo, kịch bản, đề xuất phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh. Sở cần tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan tiếp tục rà soát lập danh sách người lao động và người sử dụng lao động đủ điều kiện hỗ trợ, tránh để bỏ sót đối tượng. Cùng với đó, Sở phối hợp rà soát và đơn giản hóa các thủ tục hành chính tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động, doanh nghiệp, người sử dụng lao động tiếp cận và giải quyết các thủ tục trong thực hiện các chính sách hỗ trợ… góp phần đảm bảo nguồn hỗ trợ đến đúng đối tượng, kịp thời, công khai, minh bạch. Đồng chí lưu ý Sở Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp triển khai thực hiện ngay việc hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và một số đối tượng lao động đặc thù gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh.
Gửi phản hồi
In bài viết