Chuyển biến trong giải quyết việc làm ngay từ đầu năm

- Năm 2022, toàn tỉnh phấn đấu giải quyết việc làm mới cho 21.500 lao động. Đây là điều hết sức khó khăn bởi trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, tỷ lệ lao động thất nghiệp có nguy cơ tăng lên. Song với các giải pháp đồng bộ được triển khai, giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả khả quan ngay từ những tháng đầu năm.

Giải quyết việc làm cho lao động luôn được các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh quan tâm, thực hiện, coi đây là một trong những giải pháp quan trọng góp phần giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho nhân dân. Nhiều nhiệm vụ, giải pháp được triển khai hiệu quả trong thời gian qua như tăng cường các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm; tạo điều kiện cho doanh nghiệp uy tín đến tuyển dụng lao động trên địa bàn tỉnh đi làm việc; nâng cao chất lượng đào tạo nghề; khuyến khích phát triển các mô hình kinh tế, thu hút đầu tư trên địa bàn…

Đoàn viên, thanh niên và người lao động huyện Lâm Bình tham gia tìm hiểu thông tin việc làm tại
Phiên giao dịch việc làm huyện Lâm Bình năm 2022.

Từ đầu năm đến nay, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị, UBND các huyện, thành phố tổ chức các phiên giao dịch việc làm nhằm kết nối nhà tuyển dụng với người lao động của tỉnh. Thông qua các phiên giao dịch này, hàng chục nghìn vị trí việc làm tại các doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau đã được cung cấp để người lao động lựa chọn được công việc phù hợp. Anh Chẩu Minh Trí, dân tộc Tày ở xã Thượng Lâm (Lâm Bình) cho biết, nhờ tham gia phiên giao dịch việc làm huyện Lâm Bình năm 2022 đã giúp anh được gặp gỡ trực tiếp và tìm hiểu công việc, lĩnh vực tuyển dụng tại các doanh nghiệp. Sau khi được tư vấn, anh quan tâm và có dự định trong thời gian tới sẽ đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài.

Không chỉ tổ chức các phiên giao dịch việc làm trực tiếp tại các huyện, thành phố, Trung tâm Dịch vụ việc làm (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) còn đổi mới tổ chức hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm bằng hình thức trực tuyến, online  để nâng cao hiệu quả. Anh Đỗ Văn Giang ở  xã Hoàng Khai (Yên Sơn) cho biết, qua tham gia buổi phỏng vấn trực tuyến anh đã được nhận vào làm việc tại một công ty sản xuất linh kiện điện tử tại tỉnh Bắc Giang với mức thu nhập trung bình hơn 7 triệu đồng/ tháng trở lên.

Những chính sách mở cửa kinh tế, du lịch, thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh cũng đã góp phần tạo ra nhiều việc làm mới cho người dân trên địa bàn tỉnh. Lao động không phải đi đâu xa, nhiều khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh như: Khu Công nghiệp Long Bình An (TP Tuyên Quang), cụm Công nghiệp Phúc Ứng (Sơn Dương), cụm Công nghiệp Tân Thành (Hàm Yên)…đang là điểm đến được nhiều nhà đầu tư lựa chọn, tạo ra nhiều việc làm cho lao động địa phương. Ông Cho Won Jae, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Future of Sound Vina ở cụm công nghiệp Phúc Ứng (Sơn Dương) cho biết, môi trường đầu tư ở tỉnh Tuyên Quang rất tốt, chính quyền tỉnh và các ngành chức năng luôn có những giải pháp hỗ trợ công ty về mọi mặt. Đến nay, sau hơn 1 năm đi vào hoạt động, tốc độ tăng trưởng của công ty tăng đều đã góp phần giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định cho gần 500 lao động ở địa phương với mức thu nhập hơn 6 triệu đồng/người/tháng.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các đơn vị tổ chức Phiên Giao dịch việc làm huyện Yên Sơn năm 2022.

Từ nhiều giải pháp, công tác giải quyết việc làm cho lao động đã đạt được kết quả khả quan. Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho hơn 8.071 lao động, đạt trên 37,5% kế hoạch năm. Trong đó lao động làm việc tại tỉnh là 5.664 người, lao động làm việc tại các khu, cụm công nghiệp là 2.371 người, 36 người đi xuất khẩu lao động. Nhằm thực hiện chủ trương thích ứng linh hoạt với dịch bệnh Covid-19, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đang tăng cường phối hợp với các cơ quan, đơn vị, các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh  tiếp tục triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, giải quyết việc làm cho người lao động. Trong đó tập trung rà soát, thu thập thông tin thị trường lao động; tổ chức nhiều hơn các phiên giao dịch giới thiệu việc làm, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời đẩy mạnh mạnh, nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề, xây dựng kế hoạch hỗ trợ đào tạo nghề phù hợp cho lao động nông thôn,...

Những kết quả đạt được trong công tác giải quyết việc góp phần thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 trong lĩnh vực lao động, việc làm. Trong đó, toàn tỉnh phấn đấu đến năm 2025 tạo việc làm cho trên 110.000 lao động, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên trên 72%...

Bài, ảnh: Huy Hoàng

Tin cùng chuyên mục