Cơ hội để ứng viên thể hiện mình

- Theo Luật định, hoạt động tiếp xúc cử tri để vận động bầu cử của các ứng viên được bắt đầu từ ngày công bố danh sách chính thức và kết thúc trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ. Đây là hoạt động có ý nghĩa rất quan trọng quyết định thành công đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp.

Theo Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, hình thức vận động bầu cử thông qua hội nghị tiếp xúc cử tri do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức, từng người được giới thiệu ứng cử sẽ trình bày chương trình hành động của mình nếu được bầu làm đại biểu Quốc hội hoặc đại biểu Hội đồng nhân dân. Sau đó cử tri nêu ý kiến, đề đạt nguyện vọng của mình với người ứng cử. Người ứng cử và cử tri trao đổi dân chủ, thẳng thắn và cởi mở những vấn đề cùng quan tâm.

Đối với hình thức vận động qua phương tiện thông tin đại chúng, người ứng cử trình bày về dự kiến chương trình hành động của mình nếu được bầu khi trả lời phỏng vấn trên các phương tiện thông tin đại chúng. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức việc đăng tải thông tin, chương trình hành động của người ứng cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân trên phương tiện thông tin đại chúng của địa phương.

Việc vận động bầu cử phải đảm bảo 3 nguyên tắc cơ bản: Được tiến hành dân chủ, công khai, bình đẳng đúng pháp luật, bảo đảm trật tự và an toàn xã hội. Người ứng cử có thể sử dụng mạng xã hội để tương tác với cử tri, nhưng phải tuân thủ đúng các quy định của pháp luật về sử dụng mạng xã hội, không được thực hiện các hành vi bị cấm.

Một trong những đổi mới của lần bầu cử này là các ứng viên đại biểu Hội đồng nhân dân được quyền tiếp xúc cử tri ít nhất 5 cuộc, ứng viên đại biểu Quốc hội ít nhất 10 cuộc. Trước đây do không quy định số lần tối thiểu nên số lần tiếp xúc cử tri giữa các ứng viên khác nhau. Việc quy định số lần tiếp xúc tối thiểu giúp cử tri có cơ hội tiếp xúc với ứng viên nhiều hơn qua đó hiểu rõ hơn để cân nhắc lựa chọn khi đi bầu.
Vận động bầu cử là dịp để cử tri đánh giá thực chất năng lực, trình độ cũng như sự gắn kết với Nhân dân của mỗi ứng cử viên, từ đó quyết định lựa chọn, bỏ phiếu để ứng viên nào trở thành đại biểu dân cử. Người ứng cử phải hiểu thật rõ vai trò, trách nhiệm của người đại biểu dân cử trước khi vận động bầu cử. Kỹ năng tiếp xúc cử tri thể hiện được rõ nét dấu ấn cá nhân của ứng cử trên nhiều phương diện: thái độ, phong cách, trình độ, năng lực ứng xử, tinh thần trách nhiệm... Sự chuẩn bị kỹ càng chắc chắn sẽ đem lại hiệu quả, lan tỏa những thông điệp, hình ảnh tốt đẹp của ứng cử viên với cử tri.

Hoàng Bách

Tin cùng chuyên mục