Đạo lý, trách nhiệm và tình cảm thiêng liêng

- Hôm nay, với tất cả lòng biết ơn và những tình cảm thiêng liêng nhất, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ (27-7-1947 - 27-7-2022); tưởng nhớ, tôn vinh và tri ân công lao to lớn của các anh hùng liệt sỹ, thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ và người có công với cách mạng.

Trong các cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, hàng nghìn người con ưu tú của quê hương cách mạng Tuyên Quang cùng với hàng triệu người con ưu tú của dân tộc đã hiến dâng tuổi thanh xuân cho Tổ quốc, dũng cảm chiến đấu, anh dũng hy sinh hoặc mang thương tật suốt đời; tô thắm lá cờ cách mạng vẻ vang, để đất nước ta được độc lập, tự do.

Cách đây tròn 75 năm, trong khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược đang ở giai đoạn gay go, quyết liệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị chọn một ngày trong năm làm "Ngày Thương binh" để bày tỏ tình cảm, lòng biết ơn sâu sắc với những người đã không tiếc máu xương, cống hiến hết mình cho Tổ quốc. Từ đó, ngày 27-7 hằng năm đã trở thành ngày kỷ niệm thiêng liêng, mang đậm tính nhân văn của cả dân tộc.

75 năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác thương binh, Liệt sỹ, người có công với cách mạng và tổ chức vận động toàn dân tích cực tham gia các phong trào "Đền ơn đáp nghĩa", "Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, Liệt sỹ và người có công với cách mạng". Nhiều chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về ưu đãi đối với người có công đã được ban hành; đối tượng hưởng chính sách ưu đãi được mở rộng, các chế độ ưu đãi từng bước được bổ sung, hoàn thiện, thể hiện sự trân trọng, biết ơn, chăm lo của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.

Các phong trào "Đền ơn đáp nghĩa", "Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, Liệt sỹ và người có công với cách mạng" đã được thực hiện với nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực như: Xây nhà tình nghĩa, lập Quỹ Đền ơn đáp nghĩa, tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa, phụng dưỡng các Mẹ Việt Nam Anh hùng, ổn định đời sống thương binh, bệnh binh nặng, chăm sóc bố mẹ Liệt sỹ già yếu cô đơn, con Liệt sỹ...

Tại Tuyên Quang, đã có trên 6.900 người có công với cách mạng và thân nhân được hưởng chế độ trợ cấp hằng tháng. Từ năm 2017 đến nay đã có 687 hộ gia đình người có công được hỗ trợ sửa chữa và làm mới nhà ở, với tổng kinh phí trên 20,18 tỷ đồng. Việc xây dựng, nâng cấp, tu bổ nghĩa trang liệt sỹ, công trình ghi công liệt sỹ được quan tâm đầu tư. Riêng năm 2022, tỉnh đã phối hợp với tỉnh Hà Giang sửa chữa, cải tạo khu mộ liệt sỹ tỉnh Tuyên Quang - Hà Giang tại Nghĩa trang Trường Sơn, hoàn thành nâng cấp, tu bổ Nghĩa trang liệt sỹ tỉnh và nghĩa trang liệt sỹ các huyện, thành phố.

Với ý chí tự lực, tự cường, nhiều thương binh, bệnh binh, thân nhân Liệt sỹ và người có công đã vượt lên thương tật, khó khăn, tiếp tục cống hiến sức lực, trí tuệ, nêu những tấm gương sáng trong lao động, sản xuất, công tác, chiến đấu, học tập..., góp phần bảo vệ và xây dựng quê hương, đất nước.

Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đời đời vinh danh, ghi nhớ công ơn, luôn tự hào, nguyện kế tục và thực hiện thành công sự nghiệp cách mạng, xứng đáng với những hy sinh, cống hiến to lớn của các anh hùng Liệt sỹ, thương binh, người có công.

Với truyền thống uống nước nhớ nguồn từ ngàn xưa của dân tộc, công tác chăm sóc người có công với cách mạng cần tiếp tục được thực hiện chu đáo để người có công với cách mạng có cuộc sống ngày càng đầy đủ, tốt đẹp hơn.

Chăm lo thương binh, Liệt sỹ, người có công là đạo lý truyền thống, là trách nhiệm cao cả, là tình cảm đồng chí, đồng bào thiêng liêng của mỗi người Việt Nam ta.

Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục