Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động công đoàn đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới

- Với mục tiêu “Xây dựng tổ chức Công đoàn tỉnh Tuyên Quang vững mạnh toàn diện, có năng lực thích ứng và giải quyết các vấn đề đặt ra để công đoàn thực sự là tổ chức chính trị - xã hội vững chắc, là cầu nối, giữ mối liên hệ mật thiết giữa các cấp ủy Đảng, chính quyền với công nhân, người lao động”. Xứng đáng “là lực lượng tiên phong trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và đất nước”

Ban Thường vụ Tỉnh ủy vừa ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị “về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”. Chương trình hành động của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã xác định 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Tuyên Quang trong thời gian tới với nhiều nội dung quan trọng, phấn đấu đến năm 2025 tập hợp, thu hút trên 80% người lao động tham gia vào tổ chức công đoàn, 100% doanh nghiệp có trên 20 lao động sản xuất, kinh doanh ổn định thành lập công đoàn cơ sở. Năm 2025, 80% trở lên doanh nghiệp, đơn vị có tổ chức công đoàn ký kết được thỏa ước lao động tập thể, năm 2030 là 85% và đến năm 2045 đạt 99%.

Để thực hiện được các mục tiêu trên, giải pháp quan trọng đầu tiên là phải đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động công đoàn một cách thực chất, hướng về cơ sở, lấy người lao động là trung tâm để tổ chức công đoàn thực sự là của người lao động, do người lao động và vì người lao động. Xác định nội dung, mục tiêu hoạt động trọng tâm là thực hiện tốt việc đại diện chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đoàn viên, người lao động, xây dựng niềm tin, tạo sự gắn kết giữa người lao động với tổ chức công đoàn. Chủ động phối hợp với người sử dụng lao động đảm bảo điều kiện làm việc cho đoàn viên, người lao động; kịp thời đề xuất, thương lượng, đối thoại, tham gia giải quyết những vấn đề bức xúc, mâu thuẫn phát sinh trong quan hệ lao động, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ tại doanh nghiệp. Đa dạng hóa hình thức tập hợp, vận động đoàn viên, người lao động thích ứng với tình hình mới phù hợp với từng đối tượng đoàn viên, người lao động. Tập trung thành lập công đoàn cơ sở, phát triển đoàn viên ở khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước, nơi có đông công nhân và tiềm ẩn phức tạp trong quan hệ lao động.

Bảo đảm sự lãnh đạo tuyệt đối, toàn diện của Đảng đối với tổ chức và hoạt động của các cấp công đoàn, tạo điều kiện để tổ chức công đoàn thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ. Tập trung lãnh đạo công tác phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức đảng, đoàn thể trong các doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước; lãnh đạo công tác phát triển đảng viên; quan tâm bồi dưỡng, giới thiệu công nhân, người lao động đủ tiêu chuẩn vào Đảng. Phát huy trách nhiệm nêu gương của đảng viên là cán bộ công đoàn, nhất là người đứng đầu trong các hoạt động của công đoàn. Chính quyền các cấp tiếp tục rà soát, bổ sung, xây dựng các cơ chế, chính sách có liên quan đến công nhân, người lao động và hoạt động của công đoàn; hỗ trợ và tạo điều kiện để công đoàn hoạt động hiệu quả và tham gia nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội nơi địa phương.

Xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn trong tỉnh đảm bảo về số lượng, chất lượng, có trí tuệ, bản lĩnh, tâm huyết, trách nhiệm, uy tín, có năng lực đối thoại, tập hợp, đoàn kết người lao động, tích cực đổi mới phương pháp, tác phong công tác của cán bộ công đoàn, nhất là cấp cơ sở.

Chương trình hành động của Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng yêu cầu công đoàn các cấp trong tỉnh tăng cường việc kết nối, hỗ trợ giữa công đoàn cấp trên với công đoàn cấp dưới; giữa công đoàn cơ sở với đoàn viên, người lao động; kiên quyết chống bệnh quan liêu, hình thức và bệnh thành tích trong hoạt động công đoàn. Phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội xây dựng các chương trình phối hợp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động công đoàn và tham gia thực hiện tốt việc giám sát và phản biện xã hội.

Hoàng Bách

Tin cùng chuyên mục