Nâng cao hiệu quả hoạt động “ba cùng” với nhân dân tại cơ sở

- Thực hiện Đề án số 02 - ĐA/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “về tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội”. Thời gian qua, các cơ quan, đơn vị từ tỉnh đến các xã, phường, thị trấn đã tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa “ba cùng” với nhân dân tại cơ sở.

Sau hơn 5 tháng triển khai đã có trên 1.000 lượt cơ quan, đơn vị với gần 50.000 lượt cán bộ, đảng viên, chiến sỹ lực lượng vũ trang đã tham gia các hoạt động “ba cùng” với nhân dân tại 1.021 thôn của 122 xã trong toàn tỉnh. Với nhiều hoạt động thiết thực như: tham gia xây dựng hạ tầng nông thôn; lao động vệ sinh môi trường, thu gom, xử lý rác thải, trồng hoa, cây xanh tạo cảnh quan; xóa nhà ở tạm, dột nát cho hộ nghèo; vận động, hướng dẫn nhân dân xây dựng các mô hình sản xuất, phòng chống dịch bệnh...

Thông qua các hoạt động “ba cùng” với nhân dân tại cơ sở đã góp phần củng cố và tăng cường mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa cán bộ, đảng viên với nhân dân, đồng thời giúp cho cán bộ, đảng viên công tác tại các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện nâng cao khả năng làm công tác dân vận; củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân với Đảng.

Bên cạnh kết quả đã đạt được, hoạt động “ba cùng” của một số cơ quan, đơn vị cũng bộc lộ một số hạn chế phải khắc phục đó là việc xây dựng kế hoạch, lựa chọn việc “ba cùng” chưa phù hợp với cơ sở, còn mang tính hình thức, chưa thu hút được sự tham gia đông đảo của người dân tại cơ sở, do vậy hiệu quả của “ba cùng” chưa cao. Để khắc phục những hạn chế trên, đồng thời tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, đưa hoạt động “ba cùng” với nhân dân ở cơ sở ngày càng đi vào chiều sâu, đem lại hiệu quả thiết thực, lấy mục tiêu “làm cùng dân”  làm thước đo đánh giá hoạt động của các cơ quan, đơn vị tại cơ sở. Trong thời gian tới, các cơ quan, đơn vị khi xây dựng kế hoạch “ba cùng” tại cơ sở cần phải nắm chắc tình hình thực tế tại địa bàn, từ đó lựa chọn nội dung “ba cùng” cho phù hợp. Phải phát huy được vai trò chủ thể của người dân tại cơ sở trong tham gia phối hợp tổ chức các hoạt động.

Phải xác định rõ việc nào làm cùng dân, việc nào tuyên truyền, hướng dẫn để nhân dân thực hiện. Thông qua các hoạt động tại cơ sở củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của chi bộ, các chi hội, chi đoàn của các tổ chức chính trị xã hội trong thôn. Qua đó góp phần tích cực thực hiện có hiệu quả việc nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các chi bộ thôn, bản; đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội ở cơ sở. Nâng cao chất lượng công tác dân vận của cấp ủy, chính quyền, chất lượng phong trào thi đua “Dân vận khéo” của các địa phương, cơ quan, đơn vị, góp phần củng cố, tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Dân với Đảng, tạo cơ sở vững chắc để các chủ trương, nghị quyết của Đảng nhanh chóng đi vào cuộc sống, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân.

Hoàng Bách

Tin cùng chuyên mục