Nhiệm vụ mới với công tác xây dựng Đảng

- Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định: “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phát huy bản chất giai cấp công nhân của Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện…”. Hội nghị Trung ương 4, khóa XIII vừa ban hành Kết luận số 21, tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII về xây dựng chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; Quy định số 37 thay thế Quy định số 47 về những điều đảng viên không được làm là nhằm cụ thể hóa nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng. 

Theo báo cáo của Ban Tổ chức Trung ương Đảng trong nhiệm kỳ Đại hội XII, từ năm 2016 đến năm 2020, có 25.104 đảng viên suy thoái hoặc có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” bị xử lý kỷ luật (0,5% tổng số đảng viên). Trong đó 15.101 đảng viên suy thoái về đạo đức, lối sống (60%); 8.281 đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị (33%); 1.722 đảng viên có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” (6,9%). Trong bài phát biểu tại Hội nghị toàn quốc về xây dựng Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu rõ, bên cạnh những kết quả, thành tích đã đạt được, việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII của Đảng cũng còn những hạn chế, khuyết điểm. Một số cấp ủy, tổ chức đảng chưa nhận diện đầy đủ mức độ suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” tại địa phương, cơ quan, đơn vị mình; chưa quyết tâm và có biện pháp chỉ đạo đủ mạnh, còn thụ động, trông chờ vào sự chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên…  

Điểm mới trong nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng là công tác xây dựng Đảng được tiến hành một cách đồng bộ, quyết liệt và toàn diện hơn, gắn với xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh. 

Kết luận 21 của Ban Chấp hành Trung ương đã xác định các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng thời gian tới là: Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác chính trị, tư tưởng, tự phê bình và phê bình. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu gắn với đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tập trung hoàn thiện các cơ chế chính sách; phát huy vai trò trách nhiệm của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội; thực sự dựa vào dân để xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. 

Trong phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 4, khóa XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định cùng với bốn nhóm nhiệm vụ, giải pháp mà khóa XII đề ra, lần này Trung ương bổ sung, nhấn mạnh thêm hai nhóm nhiệm vụ, giải pháp. Đó là xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu đủ phẩm chất, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; kiên trì, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xử lý nghiêm cán bộ sai phạm. Việc bổ sung, nhấn mạnh hai nhóm nhiệm vụ, giải pháp nêu trên là bài học rút ra từ thực tiễn những năm qua, nhất là trong công tác cán bộ. Thấy rõ vai trò, vị trí quan trọng của công tác cán bộ, từ Đại hội XIII đến nay Đảng ta đã có nhiều văn bản về công tác này như Kết luận số 14 về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung; Quy định 41 của Bộ Chính trị về miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ. Rõ ràng, chủ trương về công tác cán bộ có nhiều điểm mới, ngày càng hoàn thiện hơn, vừa tạo môi trường cho cán bộ cống hiến tài năng, trí tuệ, vừa là cơ sở để xem xét, đánh giá, bố trí sử dụng và xử lý khi sai phạm. Đây là nội dung không thể thiếu để thực hiện thành công nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong thời gian tới.

Hoàng Bách

Tin cùng chuyên mục