Các đại biểu, khách mời cắt băng khai mạc triển lãm "Xanh màu khát vọng" (Ảnh: Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam)
Nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách cụ thể tạo điều kiện để phụ nữ phát huy khả năng, sự đóng góp trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có phụ nữ các dân tộc thiểu số. Tuy nhiên trên thực tế, phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số vẫn đang phải đối mặt với nhiều rào cản ảnh hưởng đến việc thụ hưởng và trao cơ hội phát triển bình đẳng.
Với vai trò là đơn vị chủ trì Dự án thành phần số 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã triển khai hoạt động từ trung ương tới địa phương để thực hiện Dự án hiệu quả nhất.
Sự kiện “Xanh màu khát vọng” được tổ chức tại xã Trường Sơn (huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) - một trong 8 xã được Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam chọn làm điểm trong cả nước triển khai Dự án thành phần số 8. Tại đây, đông đảo đại diện chính quyền địa phương, nhân dân xã Trường Sơn cùng các cán bộ, chuyên gia của Dự án cùng lắng nghe những chia sẻ, nguyện vọng và dự định của các bên.
Phụ nữ dân tộc thiểu số ở xã Trường Sơn tích cực tham gia các mô hình của Dự án thành phần số 8.
(Ảnh: Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam)
Đặc biệt, các mô hình "Tổ truyền thông cộng đồng” (huy động già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng tham gia tuyên truyền, vận động xoá bỏ hủ tục); “Địa chỉ tin cậy” (hỗ trợ các nạn nhân của bạo lực gia đình); câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi” (giáo dục, trang bị kiến thức và kỹ năng về bình đẳng giới cho học sinh dân tộc thiểu số) đã phát huy hiệu quả, truyền cảm hứng thay đổi và hành động đến tất cả mọi người.
Bà Hồ Thị Thư, 53 tuổi, dân tộc Bru-Vân Kiều, Trưởng bản Đá Chát, xã Trường Sơn, Quảng Ninh, Quảng Bình chia sẻ: "Khi tham gia vào Tổ truyền thông cộng đồng bản Đá Chát, tôi đã hiểu ra nhiều thứ, thay đổi suy nghĩ, ví dụ như trong công việc nhà thì hai vợ chồng cùng nhau chia sẻ, con cái được bảo đảm học hành đầy đủ, không kết hôn sớm. Tôi là một trưởng bản, nên tôi cũng tuyên truyền những điều này tới bà con trong bản thông qua hệ thống loa và qua những buổi nói chuyện với bà con."
Phát biểu tại sự kiện sáng 12/9, Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Tuyết nhấn mạnh: "Sự kiện truyền thông “Xanh màu khát vọng” có ý nghĩa quan trọng, nhằm khơi dậy tinh thần trách nhiệm và vận động sự vào cuộc của các cấp chính quyền, các các tổ chức đoàn thể và toàn thể nhân dân xã Trường Sơn trong việc thực hiện bình đẳng giới và giải quyết các vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em; khích lệ, tạo điều kiện để phụ nữ và trẻ em tiếp tục nỗ lực vươn lên vì sự bình đẳng và phát triển bền vững với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Thông qua những câu chuyện trong việc trưng bày hình ảnh, những sẻ chia trong buổi giao lưu ngày hôm nay, chúng tôi tin tưởng rằng, mỗi đại biểu sẽ có những cảm xúc của riêng mình; hiểu hơn về đời sống, tình cảm và những những ước mơ hạnh phúc chính đáng của phụ nữ và trẻ em, để cùng nhau cam kết “chung tay hành động vì bình đẳng giới”, “thay đổi nếp nghĩ, cách làm”, “xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới”, “khơi dậy khát vọng phát triển của phụ nữ và trẻ em”.
Triển lãm "Xanh màu khát vọng" trưng bày hình ảnh và tư liệu theo nhiều chủ đề. (Ảnh: Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam)
Trong khuôn khổ sự kiện, triển lãm “Xanh màu khát vọng” cũng được giới thiệu đến công chúng. Triển lãm gồm 3 chủ đề: Chuyện về những người phụ nữ vượt lên rào cản; Chuyện tại xã Trường Sơn; Dự án 8 - Đồng hành cùng khát vọng xanh. Triển lãm mang đến không gian văn hóa cũng như những nhận thức đúng đắn về các vấn đề: bất bình đẳng giới, tập tục lạc hậu còn tồn tại ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và trên hết là câu chuyện về sự thay đổi trong “nếp nghĩ, cách làm” nhằm vươn tới cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân tại xã Trường Sơn.
Dự án thành phần số 8 đã bắt đầu để khơi dậy nhiều hơn nữa những khát vọng phát triển và nhân lên niềm vui, niềm hạnh phúc của phụ nữ, trẻ em tại xã Trường Sơn và nhiều vùng miền khác trên toàn quốc.
Gửi phản hồi
In bài viết