(Ảnh minh họa)
Việt Nam hiện giữ vai trò chủ tịch luân phiên nhiệm kỳ 2022-2023. Tham dự hội nghị năm nay có đoàn các nước thành viên ABPA (Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Singapore, Philippines, Campuchia…); đại diện các cơ quan, đơn vị trong nước như: Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông và Truyền thông, Hội Xuất bản Việt Nam, Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh…
Hội nghị Ban chấp hành Hiệp hội Xuất bản Đông Nam Á diễn ra vào 8 giờ ngày 15/9/2023 tại Trung tâm báo chí Thành phố Hồ Chí Minh.
Tại hội nghị, các thành viên ABPA sẽ cùng nhau nhìn lại thực trạng, trao đổi kinh nghiệm, đề xuất giải pháp nhằm tăng cường hợp tác trong lĩnh vực xuất bản trong khu vực, đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi số và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
Hội nghị sẽ tập trung vào những nhóm chủ đề như: Rà soát thực trạng ngành xuất bản của các nước thành viên ABPA; Thảo luận đề xuất các đường hướng thúc đẩy hợp tác nội khối, tăng cường giao lưu, tìm hiểu, trao đổi, giao dịch bản quyền giữa các nước thành viên ABPA; Thảo luận và quyết định nước nào sẽ đảm nhận vai trò Chủ tịch luân phiên ABPA nhiệm kỳ 2024-2025.
Chia sẻ về hội nghị, PGS.TS Phạm Minh Tuấn, Phó Tổng biên tập phụ trách Tạp chí Cộng sản, Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, Chủ tịch luân phiên ABPA, cho biết: “Các đại biểu sẽ cùng đóng góp ý tưởng để củng cố những hoạt động hiện nay, và phát huy hơn nữa vai trò của Hiệp hội trong khu vực và trên trường quốc tế”.
Một số hoạt động bên lề hội nghị cũng được Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức như Hội thảo khoa học quốc tế “Bảo vệ bản quyền sách trên không gian mạng” vào chiều 15/9, Triển lãm sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh và các lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Hội thảo là diễn đàn cho các nhà khoa học, nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý, các đơn vị xuất bản Việt Nam và các nước Đông Nam Á trao đổi kinh nghiệm, giải pháp nhằm tăng cường hiệu quả bảo vệ bản quyền sách trên trong bối cảnh chuyển đổi số và hội nhập quốc tế lĩnh vực xuất bản.
Hội thảo sẽ tập trung vào những nhóm chủ đề như: Nhận diện những hành vi vi phạm bản quyền trên nền tảng số: đánh giá tình trạng vi phạm bản quyền sách trên các nền tảng số và nhận diện hành vi vi phạm; Thực trạng bảo vệ bản quyền sách trên nền tảng số tại Việt Nam và các nước Đông Nam Á hiện nay: đánh giá thể chế, thiết chế và các giải pháp kỹ thuật bảo vệ bản quyền sách trên nền tảng số hiện nay; Chia sẻ kinh nghiệm và đề xuất các giải pháp bảo vệ bản quyền sách trên nền tảng số của các nước Đông Nam Á.
PGS, TS Phạm Minh Tuấn cũng bày tỏ mong muốn các nước trong Hiệp hội xuất bản Đông Nam Á cùng nhau có tuyên bố chung góp phần ngăn chặn hành vi vi phạm bản quyền sách nói chung, trên không gian mạng nói riêng. Dự kiến hội thảo diễn ra lúc 14 giờ ngày 15/9 tại Hội trường Trung tâm Báo chí Thành phố Hồ Chí Minh.
Để chào mừng Hội nghị, Đường sách Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp các nhà xuất bản tổ chức Triển lãm sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh và các lãnh đạo Đảng, Nhà nước từ 14 đến 16/9. Triển lãm trưng bày khoảng 100 tựa sách tiếng Việt, ngoại ngữ, song ngữ, chia thành 3 cụm gồm; Không gian sách Hồ Chí Minh; Sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được dịch sang 7 thứ tiếng; Sách của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Lễ khai mạc triển lãm diễn ra lúc 10 giờ ngày 15/9 tại Sân khấu A, Đường sách Thành phố Hồ Chí Minh.
Bên cạnh đó, các thành viên ABPA cũng tham gia một số hoạt động bên lề để hiểu hơn về văn hóa và nền xuất bản Việt Nam như: Thăm di tích Bến Nhà Rồng, Đường sách Thành phố Hồ Chí Minh, hệ thống nhà sách Phương Nam, hệ thống nhà sách Fahasa….
Gửi phản hồi
In bài viết