Anh Hoàng Thanh Tùng, công chức Tư pháp xã Tân Long (Yên Sơn) đã trải qua nhiều vị trí công tác. Trước đây anh Tùng học Trung cấp an ninh và được tuyển dụng vào vị trí công an xã. Sau này, khi được điều chuyển sang vị trí công chức Tư pháp, bằng cấp chưa phù hợp với công việc, anh được lãnh đạo xã khuyến khích học thêm Đại học chuyên ngành phù hợp theo hình thức vừa học vừa làm. 5 năm vừa học vừa làm, tháng 9-2023, anh Hoàng Thanh Tùng được nhận bằng Tốt nghiệp Đại học Luật. Ở Bộ phận Một cửa tại UBND xã Tân Long, anh Hoàng Thanh Tùng là người cuối cùng hoàn thiện trình độ chuyên môn Đại học. Anh Tùng chia sẻ, có bằng Đại học phù hợp với vị trí việc làm, việc nắm bắt và giải quyết công việc của anh ngày càng thuận lợi.
Cán bộ Bộ phận Một cửa xã Tân Long (Yên Sơn) hướng dẫn quy trình thực hiện thủ tục hành chính cho người dân.
Theo Bí thư Đảng ủy xã Tân Long Chu Văn Sáng, trình độ đội ngũ cán bộ công chức và cán bộ không chuyên trách ở xã Tân Long hiện cơ bản đáp ứng công việc. Chỉ một số ít vị trí cán bộ không chuyên trách có trình độ trung cấp, còn lại đều đã có trình độ đại học. 100% cán bộ, công chức trong quy hoạch có trình độ trung cấp lý luận chính trị trở lên. Điều đặc biệt ở Tân Long hiện nay là đội ngũ cán bộ trẻ, nhất là cán bộ chủ chốt chiếm đa số. Cán bộ nữ, đặc biệt là cán bộ nữ giữ vị trí chủ chốt cũng chiếm trên 50%.
Việc rà soát, chủ động tạo nguồn cán bộ từ cơ sở cũng được Đảng ủy xã đặc biệt quan tâm. Theo đồng chí Chu Văn Sáng, từ hoạt động ở cơ sở, nhiều đồng chí Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn được phát hiện và phù hợp với nhiều vị trí công việc, đã được quy hoạch để trở thành nguồn cán bộ trong tương lai. Như đồng chí Bí thư Chi bộ thôn 16 Lý Thị Hà. Qua thực tế hoạt động, nhận thấy đồng chí có trách nhiệm, năng nổ, nhiệt tình, được Dân tin Đảng cử, Đảng ủy xã đã động viên để đồng chí Hà đăng ký học Đại học và cơ cấu vào vị trí Phó Chủ tịch Hội LHPN xã.
Không chỉ ở Tân Long, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã của Tuyên Quang ngày càng đồng đều, phát huy hiệu quả việc giải quyết, phục vụ Nhân dân. Theo đánh giá của Sở Nội vụ, hết năm 2023, tổng số cán bộ, công chức cấp xã trên địa bàn tỉnh là 2.701 người, trong đó cán bộ 1.415 người; công chức 1.286 người. Đội ngũ cán bộ, công chức có trình độ Trung cấp 185 người, chiếm 6,85%; Cao đẳng 63 người, chiếm 2,33%; Đại học 2.408 người, chiếm 89,15%; sau đại học 40 người, chiếm 1,48%. Chỉ còn một số ít cán bộ công chức có trình độ sơ cấp, chiếm 0,19%. Tổng số người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã có 1.167/1.380 người, được bố trí bảo đảm đúng quy định, trong đó bố trí kiêm nhiệm là 213 người.
Theo đồng chí Ngụy Như Quyết Tiến, Trưởng phòng Xây dựng chính quyền (Sở Nội vụ), đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã của Tuyên Quang cơ bản đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ. Năng lực thực thi công vụ, giải quyết công việc của đội ngũ cán bộ, công chức được nâng cao từ chính hoạt động cơ sở, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ Nhân dân. Kết quả đó được thể hiện qua việc, cán bộ, công chức cấp xã đã có năng lực và rèn luyện các kỹ năng cần thiết, xử lý linh hoạt đối với công việc được giao, có thái độ đúng đắn trong quá trình thực thi công vụ. Thể hiện rõ tính tích cực, tự giác, thực hiện nghiêm kỷ cương hành chính. Phần lớn đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã vận dụng thành thạo kiến thức chuyên môn được đào tạo vào việc triển khai các văn bản, quy định của Nhà nước trong xử lý công việc và ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện nhiệm vụ.
Phó Chủ tịch UBND xã Minh Khương (Hàm Yên) Nguyễn Văn Đạt cho biết, trong giải quyết công việc, nhiều nhiệm vụ phát sinh từ cơ sở như giải phóng mặt bằng xây dựng cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang, giải phóng mặt bằng xây dựng các công trình hạ tầng thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới mà không có sách vở nào hướng dẫn, anh và đội ngũ cán bộ xã phải bám địa bàn, thường xuyên trao đổi, gặp gỡ người dân để tuyên truyền, thuyết phục, vận động. Có những nhà chỉ đi 1 - 2 lần là hoàn thành nhiệm vụ, nhưng cũng có những gia đình phải đi lại nhiều lần, phải có cách thuyết phục, vận động đặc biệt mới hoàn thành. Việc đào tạo, thử thách từ cơ sở giúp đội ngũ cán bộ xã ở Minh Khương ngày càng trưởng thành, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Để không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức xã, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở ngành chuyên môn, UBND cấp huyện siết chặt các yếu tố “đầu vào”. Việc tuyển dụng, bố trí cán bộ, công chức cấp xã phải căn cứ vào nhu cầu công việc, vị trí công tác, tiêu chuẩn và số lượng của chức danh thực tế cần tuyển dụng; căn cứ vào ngành nghề đang thiếu và đòi hỏi cao về chất lượng đầu vào. Quán triệt và thực hiện nghiêm túc quy định về tiêu chuẩn của từng chức danh cán bộ, công chức cấp xã; kiên quyết không bố trí những người không đủ điều kiện, tiêu chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ vào các chức danh theo quy định.
Sở Nội vụ đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành quy chế về công tác tuyển dụng, đảm bảo các yếu tố về tiêu chuẩn, khách quan, minh bạch. Đồng thời chủ động tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã cho từng năm và cả nhiệm kỳ; tổ chức rà soát để có phương án đào tạo, bồi dưỡng đối với những người còn thiếu tiêu chuẩn quy định, mục tiêu đến năm 2025, 100% cán bộ, công chức cấp xã có trình độ từ Đại học trở lên. Bên cạnh đó, tăng cường và nâng cao hiệu quả kiểm tra, giám sát, đánh giá đối với đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã.
Việc thực hiện đồng bộ các giải pháp trên góp phần quan trọng vào việc xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã có đủ uy tín, phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công cuộc đổi mới, góp phần quan trọng xây dựng Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá, toàn diện, bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc.
Gửi phản hồi
In bài viết