Đồng chí Tạ Đức Tuyên. |
Giải pháp và kết quả nổi bật
Trong năm qua, cấp ủy, chính quyền thành phố đã xây dựng, ban hành các nghị quyết, kế hoạch và trình UBND tỉnh phê duyệt các chương trình, đề án để tiếp tục xây dựng, phát triển thành phố Tuyên Quang cơ bản đạt tiêu chí đô thị loại I vào năm 2030 theo hướng đô thị thông minh. Thành phố đã chủ động, nghiêm túc và sáng tạo triển khai thực hiện các nghị quyết, chương trình, đề án của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh về phát triển đô thị, xây dựng đô thị thông minh phù hợp với điều kiện thực tế của thành phố.
Để thực hiện các nghị quyết, chương trình, kế hoạch, đề án, một trong những điều kiện tiên quyết được cấp ủy, chính quyền thành phố quan tâm, thường xuyên chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành chức năng đó là việc tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm huy động mọi nguồn lực, trong đó ưu tiên xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị đồng bộ. Thành phố đã đẩy mạnh các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Trong đó, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của chính quyền từ thành phố đến cơ sở; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến trong giải quyết các thủ tục hành chính. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, UBND xã, phường chủ động tham mưu, giải quyết kịp thời các thủ tục liên quan đến đầu tư thuộc thẩm quyền như quy hoạch, đất đai, mặt bằng... đảm bảo nhanh chóng, thông thoáng.
Thành phố đã tranh thủ tối đa các nguồn lực đầu tư từ ngân sách; tiếp tục huy động, bố trí các nguồn lực của địa phương, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành của tỉnh xây dựng các đề án, dự án thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI, ODA) và đầu tư của các tổ chức, doanh nghiệp trong nước để phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, hạ tầng công nghệ thông tin, phát triển các khu đô thị, dịch vụ thương mại, du lịch...; chú trọng thu hút các doanh nghiệp có tiềm lực, không ô nhiễm môi trường, có khả năng đóng góp nhiều cho ngân sách thành phố. Đồng thời, đẩy mạnh xã hội hóa vốn đầu tư của toàn xã hội, huy động vốn đóng góp của nhân dân, tập trung vốn cho các dự án có sức lan tỏa lớn.
Từ những giải pháp đã đề ra, thành phố đã từng bước củng cố và thực hiện nâng cao các tiêu chí đô thị loại II. Trong đó, đã hoàn thành bê tông hóa trên 500 km đường giao thông nông thôn; xây dựng đồng bộ trên 154 km đường giao thông đô thị (gồm hệ thống đường giao thông, điện chiếu sáng, cống thoát nước và cây xanh); có thêm 51,54 km đường có chiều rộng phần xe chạy = 7,5m trong khu vực nội thị; ngầm hóa 351,1 km đường truyền Internet cáp quang các loại dung lượng từ 8 đến 96FO; có 204 trạm BTS phủ sóng 3G, 4G. Tỷ lệ đô thị hóa năm 2022 là 73,23%, cơ bản đạt 50% các tiêu chuẩn của đô thị loại I về kiến trúc, cảnh quan đô thị, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và vệ sinh môi trường.
Đường Bình Thuận, tuyến đường đạt chuẩn văn minh đô thị.
Thành phố đã triển khai thực hiện 242 công trình. Trong đó, có 9 công trình thuộc nguồn vốn tỉnh; 12 công trình thuộc nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB); 189 công trình thuộc nguồn vốn phân cấp của thành phố và các công trình thuộc các nguồn vốn khác. Đến nay, có 12 công trình đường giao thông thuộc Dự án Chương trình đô thị miền núi phía Bắc - thành phố Tuyên Quang từ nguồn vốn vay WB đã hoàn thành. Đồng thời, phối hợp thực hiện một số công trình, dự án trọng điểm của tỉnh trên địa bàn thành phố theo đúng tiến độ đã đề ra.
Nhiệm vụ trong thời gian tới
Tiếp tục phát huy những kết quả của năm trước, năm 2023, cấp ủy, chính quyền thành phố tập trung thực hiện tốt một giải pháp. Đó là, tăng cường vai trò, trách nhiệm, sự thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo và quyết tâm chính trị cao của cả hệ thống chính trị; làm tốt công tác tuyên truyền về ý nghĩa, tầm quan trọng của hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị đối với sự phát triển kinh tế - xã hội để huy động được sự đồng thuận, ủng hộ của toàn dân trong thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất “sạch” đáp ứng yêu cầu huy động các nguồn lực.
Một góc thành phố Tuyên Quang. Ảnh: Quang Hòa.
Thành phố tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành của tỉnh tăng cường xúc tiến đầu tư, thu hút nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư tiếp cận đầy đủ thông tin về quy hoạch đất đai, quy hoạch xây dựng, môi trường đầu tư của thành phố, khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư cho phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng cần vốn lớn như đường giao thông, hệ thống thoát nước, hệ thống xử lý rác thải, nước thải, xây dựng đô thị thông minh, tăng trưởng xanh. Bố trí, sử dụng hợp lý, linh hoạt các nguồn lực trong và ngoài ngân sách để đầu tư đúng định hướng, đúng mục tiêu; tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát việc triển khai để đảm bảo tiến độ, chất lượng các công việc...
Đồng thời, phối hợp hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng Dự án đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai, Dự án xây dựng cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang, các dự án đầu tư ngoài ngân sách như: Dự án sân golf Vinpearl Mỹ Lâm - Tuyên Quang, Dự án khu công viên thể dục, thể thao phường Mỹ Lâm, Dự án khu đô thị Kim Phú, Dự án khu đô thị mới bên bờ sông Lô, phường Hưng Thành…
Thành phố sẽ rà soát, bổ sung, hoàn chỉnh hệ thống các quy hoạch, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý quy hoạch; đẩy mạnh các giải pháp tăng thu ngân sách, tập trung nguồn lực cho chi đầu tư phát triển, nhất là đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị động lực và hạ tầng công nghệ thông tin. Tiếp tục thực hiện phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ” để huy động hiệu quả, sử dụng hợp lý nguồn lực trong nhân dân, góp phần phát triển nhanh, bền vững.
Gửi phản hồi
In bài viết