Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Tuyên Quang.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới dự và chỉ đạo hội nghị. Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương đảng; các Ủy viên Trung ương Đảng và nhiều lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, các đại biểu là Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, cán bộ chủ chốt các đơn vị của Bộ Ngoại giao.
Đồng chí Chẩu Văn Lâm, Uỷ viên BCH Trung ương đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang chủ trì hội nghị tại điểm cầu tỉnh Tuyên Quang. Cùng dự có các đồng chí: Nguyễn Hưng Vượng, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh uỷ, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ tỉnh; Lê Thị Thanh Trà, Tỉnh uỷ viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; lãnh đạo Sở Ngoại vụ.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh: Công tác đối ngoại và ngoại giao đã bám sát đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng, các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nhất là các chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc, đồng thời phát huy mạnh mẽ bản sắc "ngoại giao cây tre Việt Nam".
Từ sau Hội nghị Đối ngoại toàn quốc đến nay, ngành ngoại giao cùng các cấp, các ngành đã tổ chức thành công 45 chuyến thăm của các đồng chí lãnh đạo chủ chốt tới các nước láng giềng, các đối tác quan trọng, bạn bè truyền thống và gần 50 chuyến thăm của lãnh đạo các nước đến Việt Nam, trong đó có những chuyến thăm lịch sử như chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, các chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden... đã tạo nên bước phát triển mới về chất trong cục diện đối ngoại và hội nhập quốc tế của nước ta.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Chẩu Văn Lâm chủ trì hội nghị tại điểm cầu Tuyên Quang.
Trước những biến động phức tạp của tình hình quốc tế, đối ngoại cùng quốc phòng, an ninh và các cấp, các ngành đã xử lý đúng đắn với các đối tác trên cơ sở kiên định nguyên tắc, linh hoạt trong sách lược và ứng xử, kiên trì thúc đẩy đối thoại; nhờ đó đã bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, đồng thời đạt được những kết quả quan trọng về phân định, giải quyết một số vấn đề biên giới lãnh thổ.
Trên bình diện đa phương, Việt Nam đã và đang đảm nhiệm tốt nhiều trọng trách quốc tế, phát huy vai trò tại nhiều tổ chức, diễn đàn đa phương quan trọng như ASEAN, Liên hợp quốc, tiểu vùng Mekông, APEC, AIPA, IPU, UNESCO, các Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP), Diễn đàn cấp cao Vành đai - Con đường...
Các hoạt động đối ngoại và ngoại giao kinh tế đã mở rộng và làm sâu sắc hơn hợp tác kinh tế với nhiều đối tác, góp phần bảo đảm kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đẩy mạnh xuất nhập khẩu, thu hút nhiều nguồn lực mới, bao gồm cả FDI, ODA, khoa học công nghệ... đưa Việt Nam vào nhóm 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới và 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại và thu hút đầu tư nước ngoài.
Ngoại giao văn hóa, thông tin tuyên truyền đối ngoại, công tác người Việt Nam ở nước ngoài và bảo hộ công dân được triển khai đồng bộ. Đến nay, 60 di sản, địa danh của Việt Nam được UNESCO công nhận là di sản văn hóa, thiên nhiên thế giới.
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận đánh giá và dự báo tình hình quốc tế, kết quả hơn nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII, rút ra bài học kinh nghiệm, đồng thời nghiêm túc quán triệt các nghị quyết, kết luận, chỉ thị, đề án quan trọng về đối ngoại mà Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành từ đầu nhiệm kỳ đến nay.
Từ đó đề xuất các nhiệm vụ đối ngoại trọng tâm và các biện pháp cần tập trung triển khai đến hết nhiệm kỳ khóa XIII và những năm tiếp theo. Trao đổi một số vấn đề lớn, vấn đề mới về đối ngoại để đóng góp vào tổng kết 40 năm thực hiện đường lối đối ngoại trong thời kỳ đổi mới...
Phát biểu tại hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Trong gần 40 năm đổi mới vừa qua, Đảng ta đã kế thừa và phát huy bản sắc, cội nguồn và truyền thống dân tộc, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa thế giới và tư tưởng tiến bộ của thời đại, phát triển trên nền tảng lý luận của chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh, hình thành nên một trường phái đối ngoại, ngoại giao rất đặc sắc và độc đáo, mang đậm bản sắc "cây tre Việt Nam".
Đó vừa kiên định về nguyên tắc, vừa uyển chuyển về sách lược; mềm mại, khôn khéo nhưng cũng rất kiên cường, quyết liệt; linh hoạt, sáng tạo nhưng rất bản lĩnh, vững vàng trước mọi khó khăn, thách thức, vì độc lập, tự do của dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân; đoàn kết, nhân ái nhưng luôn luôn kiên quyết, kiên trì bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc.
Đến nhiệm kỳ khoá XIII, cụ thể là tại Hội nghị đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng được tổ chức vào ngày 14/12/2021, chúng ta đã thống nhất cao khẳng định về sự hình thành, phát triển của Trường phái đối ngoại, ngoại giao “cây tre Việt Nam”: Gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển, thấm đượm tâm hồn, cốt cách và khí phách của dân tộc Việt Nam.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trong yêu cầu, thời gian tới cần thường xuyên theo dõi sát các diễn biến và dự báo đúng chiều hướng phát triển của tình hình bên ngoài; vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ của công tác đối ngoại từ nay đến hết nhiệm kỳ, như Đại hội XIII của Đảng đã đề ra: "Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; đa dạng hoá, đa phương hoá quan hệ đối ngoại. Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi. Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế".
Gửi phản hồi
In bài viết