Lời hịch non sông

- Cách đây 77 năm, để bảo vệ nền độc lập, tự do cho đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến. Đó là lời hịch non sông, kêu gọi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đoàn kết, đứng lên chiến đấu chống thực dân Pháp xâm lược. Tân Trào - Tuyên Quang vinh dự được Trung ương Đảng, Bác Hồ chọn làm Thủ đô kháng chiến để thực hiện cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện và trường kỳ.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Tuyên Quang được chọn làm Thủ đô Kháng chiến. Trong ảnh: Khu tưởng niệm các vị tiền ối cách mạng tại Tân Trào (Sơn Dương). Ảnh: Cảnh Trực

Do vị trí đặc biệt, nên Thủ đô Hà Nội được thực dân Pháp coi là mục tiêu chiến lược. Vì vậy, chúng đã tập trung lực lượng lớn nhất tại đây và dùng nhiều thủ đoạn hòng nhanh chóng đánh úp, lật đổ chính quyền cách mạng Việt Nam còn non trẻ.  

Ngày 18 và 19-12-1946, Hội nghị mở rộng Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp khẩn cấp ở Vạn Phúc, Hà Đông quyết định phát động cả nước kháng chiến và chỉ ra đường lối kháng chiến lâu dài. Ngày 19-12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến. Người chỉ rõ: “Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng, nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa. Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ...”.

Đáp lời kêu gọi cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, theo đường lối kháng chiến đúng đắn do Đảng vạch ra, thanh niên cả nước cùng toàn dân nhất tề đứng lên giết giặc cứu nước. 20 giờ ngày 19-12, đèn điện ở Hà Nội phụt tắt, súng nổ ầm trời. Cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp xâm lược đã bắt đầu trên toàn quốc.

Với tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, cả Hà Nội hình thành thế trận, mỗi nhà là một pháo đài, mỗi phố là một chiến tuyến, giành giật với địch từng ngôi nhà, từng góc phố. Trải qua 60 ngày đêm chiến đấu, quân và dân Hà Nội đã đánh gần 200 trận, tiêu diệt một phần quan trọng sinh lực địch, giam chân chúng trong thành phố vượt thời gian dự kiến, góp phần bảo vệ các cơ quan đầu não của Đảng, Chính phủ, Mặt trận di chuyển về căn cứ an toàn. Đúng như lời khen của Bác Hồ: “Giam chân địch ở Hà Nội được 1 tháng là thắng lợi, nay giữ được Hà Nội 2 tháng là đại thắng lợi”.

Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, với vai trò là Thủ đô Kháng chiến,  Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở và làm việc tại Tuyên Quang gần 6 năm với các địa danh nổi tiếng như: Hợp Thành, Tân Trào, Kim Bình, Kiên Đài, Kim Quan, Hùng Lợi… Tuyên Quang là nơi “đóng đô” các cơ quan đầu não của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận và 65 bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương đặt trụ sở làm việc tại 146 địa điểm khác nhau trên địa bàn tỉnh.

Tại Tuyên Quang, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng tổ chức nhiều sự kiện trọng đại như: Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II; Đại hội toàn quốc thống nhất Việt Minh - Liên Việt; Hội nghị liên minh nhân dân ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia; Quốc hội khóa I kỳ họp thứ ba, thông qua Luật Cải cách ruộng; các hội nghị của Bộ Chính trị, các phiên họp của Hội đồng Chính phủ chỉ đạo cuộc tấn công chiến lược Đông xuân 1953 - 1954 mà đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Cũng tại Tuyên Quang, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có nhiều tác phẩm, bài viết, bài phát biểu quan trọng tiêu biểu là tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, góp phần nâng cao nhận thức, đạo đức cách mạng, rèn luyện lối sống cho cán bộ, đảng viên, thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị vững mạnh đủ sức lãnh đạo cuộc kháng chiến tiến lên giành thắng lợi.

Thực hiện nghĩa vụ của Thủ đô kháng chiến, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang đã có nhiều đóng góp vừa là hậu phương, vừa là tiền tuyến trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Trong đó, Nhân dân Tuyên Quang đã đóng góp nhiều sức người, sức của cho cuộc kháng chiến. Tích cực chuẩn bị các điều kiện cho Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng diễn ra thành công.

Tích cực lao động sản xuất để cung cấp lương thực, thực phẩm cho chiến trường, đặc biệt trong chiến dịch Đông xuân 1953 - 1954, đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, Tuyên Quang đã huy động 6.519.000 ngày công phục vụ chiến dịch Tây Bắc, cung cấp cho tiền phương 6.486.955 kg gạo, 52.770 kg thịt trâu, 914 kg thịt bò, 41.657 kg lợn, 10.890 kg lạc, 11.282 kg đỗ xanh; xây dựng 6 trại điều dưỡng để đón 500 thương, bệnh binh về tuyến sau chăm sóc, điều trị.

Bên cạnh làm nghĩa vụ hậu phương, quân và dân Tuyên Quang đã trực tiếp và phối hợp chiến đấu cùng bộ đội chủ lực đã góp phần làm nên chiến thắng Việt Bắc 1947, chặn đứng kế hoạch đánh nhanh, thắng nhanh của thực dân Pháp với những chiến thắng vang dội như: Bình Ca, KM7, Khe Lau, Cầu Cả...

77 năm đã trôi qua, “Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đời trong thời khắc lịch sử đặc biệt vẫn khắc sâu trong tâm khảm mỗi người Việt Nam hôm nay, để lại những bài bài học sâu sắc cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
 

Hoàng Anh (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục