“Phố” trong thôn
Xây dựng nông thôn mới ở tỉnh đã “vào đường ray” nên liên tục gặt hái những thành quả. Toàn tỉnh đã có 54 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Năm 2022, tỉnh phấn đấu có thêm 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Với sự phát triển của các mô hình sản xuất và nỗ lực của các địa phương, hiện toàn tỉnh đã có 128 sản phẩm OCOP của 64 xã. Nhiều chỉ tiêu trong đạt chuẩn nông thôn mới như cơ sở hạ tầng, nguồn vốn, phát triển sản xuất, thu nhập của người dân... liên tục tăng trưởng. Sự bứt phá về mọi mặt đã tạo cho các xã có “lực” xây dựng đô thị.
Sơn Nam mang dáng dấp của đô thị khu vực trung tâm phía Nam huyện Sơn Dương bởi đường sá thuận lợi với Quốc lộ 2C kết nối với Vĩnh Phúc. Các tuyến đường kết nối liên xã, liên thôn, ngõ xóm đã được cứng hóa. Kinh tế phát triển đa dạng, hướng mạnh vào thương mại, dịch vụ và công nghiệp. Chị Hoàng Thị Gấm, xã Đại Phú đang chọn mua ti vi tại cửa hàng điện lạnh của anh Kim Văn Tâm, thôn Quyết Thắng, xã Sơn Nam cho biết: “Giờ ở Sơn Nam có đủ các loại dịch vụ, từ đồ điện lạnh, nội thất đến các dịch vụ ngân hàng, vàng bạc... đáp ứng được nhu cầu của người dân các xã trong khu vực này. Càng ngày khu vực trung tâm của xã Sơn Nam càng sầm uất không khác thị trấn Sơn Dương”.
Tuyến đường vào khu dân cư thuộc thôn Thác Nóng vừa được nhựa hóa gần 1 km trong tháng 3-2021 với nguồn xã hội hóa lên tới gần 1,7 tỷ đồng. Đồng chí Trần Văn Nhâm, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn cho hay, khi Thác Nóng được chọn là thôn làm điểm nông thôn mới kiểu mẫu, người dân trong thôn đồng lòng đóng góp trong 2 năm (2019, 2020) được 1 tỷ đồng, trung bình mỗi hộ trên 10 triệu đồng và gần 700 triệu đồng là doanh nghiệp, con em trong khu làm ăn xa quê ủng hộ. Tuyến đường nhựa hóa dày 7 cm trên nền đường bê tông cũ dày 20 cm. Nền đường rộng trung bình 5,7 m, có đoạn ngã ba rộng gần 20 m, đáp ứng yêu cầu phát triển trong vòng 20 năm tới. Người dân đã chủ động góp sức xây dựng Sơn Nam đạt tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao trong năm 2021 và cũng là bước đệm để xã đạt đô thị loại V trong tương lai.
Một góc xã Sơn Nam (Sơn Dương) xây dựng theo quy hoạch đô thị.
Sơn Nam đã hoàn thành nông thôn mới nâng cao năm 2021 với những chuyển biến mạnh mẽ về kinh tế, hạ tầng. Đồng chí Trần Văn Tâm, Chủ tịch UBND xã cho biết: Sơn Nam đã hoàn thành 18/18 chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao. Hạ tầng nông thôn tại xã ngày càng được đầu tư đồng bộ; tỷ lệ đường trục thôn, liên thôn đã được bê tông hóa khép kín; đường trục chính nội đồng được cứng hóa đạt trên 70%; trên 99% hộ dân có nhà ở đạt chuẩn. 100% số người trong độ tuổi lao động trên địa bàn xã có việc làm. Thu nhập bình quân đầu người toàn xã 45,6 triệu đồng/người/năm. Đây là bước đệm quan trọng để Sơn Nam vươn lên đô thị loại V.
Là một trong những xã đầu tiên về đích nông thôn mới, xã Mỹ Bằng (Yên Sơn) được tỉnh quy hoạch xây dựng đô thị loại V vào năm 2025. Đồng chí Ngô Đức Tuyên, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Mỹ Bằng hoàn thành 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới năm 2014, đây là động lực để xã bứt phá lên đô thị trong tương lai. Hiện xã phát triển đa dạng các thành phần kinh tế với 5 doanh nghiệp, 1.000 hộ kinh doanh, cửa hàng chuyên doanh; 600 ha chè kinh doanh, thu nhập người dân đạt trên 46 triệu đồng/người/tháng, mạng lưới giao thông trên địa bàn được kiên cố trên 90%, rác thải được thu gom, nhà ở dân cư đạt chuẩn trên 90%… Kết quả xây dựng nông thôn mới nâng cao đã đưa Mỹ Bằng bứt phá về mọi mặt, tạo điều kiện thuận lợi để Mỹ Bằng xây dựng đô thị. Hiện nay, xã thực hiện xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, theo đó xã sẽ được đầu tư thêm về hạ tầng, nâng cao hơn nữa thu nhập cho người dân... Hoàn thành nông thôn mới kiểu mẫu sẽ rút ngắn thời gian lên đô thị của địa phương.
Động lực phát triển
Theo các tiêu chí để đạt tiêu chuẩn đô thị loại V quy định tại Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các địa phương phải nằm ở vị trí đầu mối giao thông, có vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện hoặc cụm liên xã; quy mô dân số toàn đô thị trung bình đạt từ 5.000 người/km2 trở lên; tỷ lệ lao động phi nông nghiệp đô thị đạt từ 55% trở lên...
Ứng với các tiêu chí, xã Sơn Nam đủ điều kiện để xây dựng thành công khu đô thị loại V. Xác định xu hướng phát triển, Đại hội đại biểu Đảng bộ xã lần thứ XXIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra mục tiêu xây dựng xã đạt đô thị loại V vào năm 2025. Đáp ứng nhiều tiêu chí về xây dựng đô thị, Mỹ Bằng đang nỗ lực vươn lên từng ngày. Đồng chí Phó chủ tịch UBND xã Ngô Đức Tuyên khẳng định, ngoài tiêu chí “cứng” là hạ tầng thì các tiêu chí “mềm” như môi trường, thu nhập, hộ nghèo, văn hóa... địa phương đã và đang chủ động làm để thúc đẩy ý thức của nhân dân về xây dựng đô thị.
Nhà văn hóa xã Hồng Lạc được kiên cố hóa đáp ứng tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao.
Hồng Lạc thuộc khu vực phía Nam hạ huyện Sơn Dương, nằm ở trung tâm tiếp giáp nhiều xã trong huyện và ngoài tỉnh. Xã có 2 tuyến giao thông huyết mạch là ĐT 186 và đường huyện ĐH 01 chạy qua trung tâm kết nối nhiều xã lân cận, có cầu Kim Xuyên kết nối giao thương với tỉnh Phú Thọ. Xã còn có tuyến sông Lô chảy qua, là tiềm năng lớn để phát triển kinh tế, vận tải đường thủy... UBND tỉnh Tuyên Quang đã có Quyết định số 843/QĐ-UBND ngày 29/12/2021 về việc quy hoạch xã Hồng Lạc được đầu tư xây dựng thành đô thị loại V. Đây sẽ là đô thị trung tâm, trung chuyển và kết nối, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội khu vực cụm xã vùng hạ huyện.
Đồng chí Lê Minh Sơn, Bí thư Đảng ủy xã Hồng Lạc cho biết: Năm 2022, xã phấn đấu đạt nông thôn mới nâng cao để lấy “đà” xây dựng đô thị. Cấp ủy, chính quyền xã đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu rõ mục đích, yêu cầu của việc xây dựng nông thôn mới nâng cao gắn với xây dựng trung tâm đô thị, tạo sự thống nhất cao trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện. Đồng thời, làm tốt công tác giải phóng mặt bằng để thu hút đầu tư, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, hoàn thiện hạ tầng cơ sở đáp ứng các tiêu chí. Cùng với đó, mời gọi doanh nghiệp đầu tư phát triển thương mại, dịch vụ, khách sạn, khu vui chơi giải trí, du lịch để tạo bứt phá.
Hiện xã có 15 doanh nghiệp hoạt động các lĩnh vực nhà hàng, dịch vụ vận tải, kinh doanh tạp hóa, vật liệu xây dựng, sản xuất, chế biến đồ gỗ xuất khẩu… tổng doanh thu kinh doanh dịch vụ hằng năm của xã đạt trên 200 tỷ đồng. Đến nay tỷ lệ hộ nghèo của xã là 3,3%; tỷ lệ người có việc làm trên dân số trong độ tuổi lao động có khả năng tham gia lao động là 93%; tỷ lệ lao động có việc làm qua đào tạo đạt 26,5%.
Sự đầu tư của Nhà nước, sự chủ động của các địa phương cộng với sự đồng thuận của người dân khi thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao đã đem lại sức sống mới cho các xã, tạo điều kiện thuận lợi để các xã vùng trung tâm vươn lên đô thị động lực trong tương lai.
Gửi phản hồi
In bài viết