Khai sinh cho đặc sản địa phương
Chất lượng có thể sánh ngang hàng với bưởi da xanh của các tỉnh miền Tây đồng bằng sông Cửu Long, tuy nhiên sản phẩm bưởi Thái Long (TP Tuyên Quang) vẫn vô danh trên thị trường. Và chỉ đến khi Trang trại cây ăn quả hữu cơ Thái Long đặt tên cho sản phẩm bằng việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa “Bưởi Thái Long”, phát triển thương hiệu sản phẩm trên các kênh thương mại từ truyền thống đến hiện đại, sản phẩm bưởi địa phương Thái Long mới được người tiêu dùng biết đến và nhanh chóng khẳng định vị trí trên thị trường.
Thành viên Hội đồng thẩm định sản phẩm OCOP cấp tỉnh đánh giá nâng hạng sản phẩm.
Bà Trần Thị Lịch, cán bộ khuyến nông của trang trại - người dành rất nhiều tâm sức, mong muốn đưa hương vị trái bưởi Thái Long vượt qua ranh giới địa phương. Bà Lịch chia sẻ, bưởi Thái Long được chăm sóc thuận theo tự nhiên, nói không với phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật có chứa hóa chất; mỗi cây bưởi được đánh số, chăm sóc theo một tiêu chuẩn nhất định. Do đó bưởi Thái Long rất đồng đều về chất lượng. Theo lời bà Lịch chất lượng bưởi Thái Long đã mê hoặc người sành ăn nhất, ngay cả những thực khách không thích bưởi cũng có thể ăn được cả trái. Có danh, có phận, có địa chỉ rõ ràng bưởi Thái Long đã được rất nhiều cửa hàng hoa quả sạch trong và ngoài tỉnh tìm đến, gọi điện đặt hàng và định giá cho trái bưởi.
3 năm sau khi Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học công nghệ cấp chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa, sản phẩm măng khô Cường Đạt, xã Tân Long (Yên Sơn) không còn phải chịu cảnh mượn tên để đi vào thị trường và giá trị cũng tăng hơn, khoảng từ 250 - 400 nghìn đồng/kg tùy thuộc vào từng chủng loại. Ông Nguyễn Văn Thường, Giám đốc Hợp tác xã Cường Đạt phấn khởi khoe, kể từ khi có tên tuổi, có tem nhãn, mã vạch số lượng sản phẩm măng khô được tiêu thụ nhiều hơn. Anh Thường rất vui vì măng khô Cường Đạt đã góp phần làm nên hương vị của mâm cơm ngày Tết cho nhiều gia đình.
Tầm nhìn cho tương lai
Đồng chí Nguyễn Văn Việt, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định, tư duy sản xuất nông nghiệp đã được thay thế bằng kinh tế nông nghiệp và khi đã chuyển sang kinh tế thì sản xuất sản phẩm và xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu hàng hóa phải được thực hiện song hành. Điều này sẽ giúp nông sản được bảo hộ quyền và lợi ích trên thị trường, đồng thời tăng sự tin tưởng của người tiêu dùng khi sử dụng sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Những sản phẩm đã được “biết mặt, đặt tên” của tỉnh đã đi vào thị trường và khẳng định thị phần, trong đó một số sản phẩm đã vươn tầm khu vực, xuất khẩu ra thị trường thế giới như chè, mật ong, cá đặc sản, gỗ rừng trồng...
Các doanh nghiệp, hệ thống cửa hàng thực phẩm sạch tại Hà Nội ký kết tiêu thụ sản phẩm của Tuyên Quang.
Chất lượng sản phẩm, đặc biệt là nông sản không chỉ là truyền miệng, cảm nhận mà sản phẩm phải được bảo đảm bằng nhãn mác, bao bì, nguồn gốc xuất xứ... nhất là trong bối cảnh hội nhập. Việc đăng ký, bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa chính là “visa” để các sản phẩm nông sản của địa phương vươn xa.
Chương trình Mỗi xã 1 sản phẩm giai đoạn 2021 - 2025 của tỉnh và Nghị quyết số 03/2021/NQ của HĐND tỉnh về cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản, hàng hóa; sản phẩm OCOP được ban hành năm 2021. Tỉnh hỗ trợ duy trì phát triển, xây dựng thương hiệu đối với những sản phẩm đã được chứng nhận và có kế hoạch tiêu chuẩn hóa cho 209 sản phẩm tiềm năng.
Bắt đầu từ năm 2022 tỉnh cũng triển khai Dự án “Cấp và quản lý mã số vùng trồng các sản phẩm hàng hóa nông sản tỉnh Tuyên Quang bằng hệ thống/tiêu chuẩn OTAS phục vụ nội tiêu và xuất khẩu giai đoạn 2021 - 2025”. 15 mã số vùng trồng được chứng nhận, đảm bảo đủ các điều kiện để xuất khẩu vào những thị trường khó tính nhất như Nhật Bản, Mỹ và các nước EU.
Chuẩn hóa quy trình sản xuất, xây dựng thương hiệu hàng hóa, nông sản Tuyên Quang đang từng bước tham gia đầy đủ vào chuỗi giá trị chung toàn cầu.
Gửi phản hồi
In bài viết