Chưa tận dụng hết tiềm năng
Với hơn 1.350 làng nghề, Hà Nội là trung tâm du lịch được đánh giá có nhiều tiềm năng về phát triển sản phẩm quà tặng. Trong số đó có rất nhiều sản phẩm gắn với tên tuổi của các làng nghề truyền thống, như: Gốm sứ Bát Tràng (huyện Gia Lâm); lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông); mây tre đan Phú Vinh (huyện Chương Mỹ); sơn mài Hạ Thái (huyện Thường Tín); nón Chuông (huyện Thanh Oai); chuồn chuồn tre Thạch Xá, quạt Chàng Sơn (huyện Thạch Thất)…
Theo Chi hội Làng nghề - làng cổ - làng văn hóa (Hiệp hội Du lịch Hà Nội), hiện có khoảng 35 làng nghề trực thuộc chi hội, có thể làm ra hàng trăm sản phẩm quà tặng, đồ lưu niệm phục vụ khách du lịch. Nhiều làng nghề nhận được không ít đơn đặt hàng của các nước châu Âu và một số nước châu Á, như: Hàn Quốc, Nhật Bản... Tuy nhiên, tại thị trường trong nước, những sản phẩm quà tặng truyền thống dành cho khách du lịch lại chưa có sự hấp dẫn, thậm chí chưa đủ sức cạnh tranh với những sản phẩm công nghiệp đang bày bán tràn lan.
Chi hội trưởng Chi hội Làng nghề - làng cổ - làng văn hóa Nguyễn Văn Sử thông tin, nhiều năm nay, các làng nghề đã có sự liên kết với những điểm đến, như: Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Trung tâm Giao lưu văn hóa phố cổ Hà Nội, Hoàng thành Thăng Long… để giới thiệu và bán sản phẩm của các làng nghề cho khách du lịch. “Số lượng sản phẩm làng nghề để làm quà tặng, đồ lưu niệm tại các điểm di tích không nhiều, chủ yếu là đồ sẵn có, ít sản phẩm được thiết kế theo đặc trưng riêng của điểm đến, nên chưa tạo được hiệu quả trong việc thu hút du khách”, ông Nguyễn Văn Sử chia sẻ.
Trong khi đó, Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist Phùng Quang Thắng cho rằng, việc đưa khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm và mua sắm tại các làng nghề chưa hiệu quả do thiếu sự liên kết, chia sẻ thông tin giữa các làng nghề và các đơn vị lữ hành.
Còn theo Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Du lịch bền vững VGreen, Giám đốc Công ty Du lịch Pattours Vũ Giang Biên, mẫu mã đơn điệu cùng với khâu quảng bá hạn chế đã khiến nhiều sản phẩm quà tặng của các làng nghề tại Hà Nội chưa "đánh trúng" được thị hiếu của du khách trong và ngoài nước.
Tăng hấp dẫn cho sản phẩm
Nhận thấy sản phẩm quà tặng là một trong những yếu tố có thể tăng khả năng chi tiêu, giữ chân du khách lâu dài, nhiều đơn vị đã có hướng đầu tư cho sản phẩm quà tặng, lưu niệm.
Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu cho biết, đơn vị vừa tổ chức cuộc thi thiết kế sản phẩm quà tặng và tới đây sẽ phối hợp với các làng nghề để làm những sản phẩm mới. “Bên cạnh sản phẩm truyền thống của làng nghề, sẽ có thêm sản phẩm quà tặng đặc trưng của Văn Miếu - Quốc Tử Giám, như những vật phẩm dành cho sĩ tử, thể hiện tinh thần hiếu học của người Việt Nam”, ông Lê Xuân Kiêu cho hay.
Còn theo Trưởng ban Quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò Nguyễn Thị Bích Thủy, đơn vị có nhiều sản phẩm quà tặng đặc trưng được làm từ cây bàng trồng tại di tích. “Rất nhiều câu chuyện lịch sử cảm động tại di tích Nhà tù Hỏa Lò gắn bó với cây bàng, nên du khách khá thích thú với những sản phẩm lưu niệm làm từ quả bàng, lá bàng. Ngoài ra, chúng tôi dự kiến phối hợp thêm với các làng nghề để tạo ra sản phẩm quà tặng mới”, bà Nguyễn Thị Bích Thủy chia sẻ.
Bàn thêm về giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm quà tặng, góp phần xây dựng thương hiệu du lịch Thủ đô, Chi hội trưởng Chi hội Làng nghề - làng cổ - làng văn hóa Nguyễn Văn Sử thông tin, chi hội đã làm việc với UBND quận Hoàn Kiếm, Hội Lữ hành Hà Nội và một số điểm di tích về việc lên ý tưởng hình thành một khu giới thiệu, trưng bày sản phẩm thủ công mỹ nghệ, lưu niệm, quà tặng của các làng nghề Hà Nội, nhằm quảng bá tinh hoa làng nghề và tăng tính trải nghiệm cho du khách. Do đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa các làng nghề, điểm đến và doanh nghiệp lữ hành trong việc tạo ra những mẫu thiết kế sản phẩm quà tặng độc đáo, phù hợp với đặc trưng điểm đến và tâm lý du khách.
Hiện tại, Sở Du lịch Hà Nội đã có kế hoạch tham mưu với UBND thành phố tổ chức Lễ hội quà tặng du lịch Hà Nội năm 2021, khi dịch Covid-19 được kiểm soát. Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, phát triển du lịch Thủ đô gắn với hoạt động của các làng nghề là nhiệm vụ xuyên suốt, nhằm xây dựng sản phẩm quà tặng, góp phần định vị thương hiệu du lịch Hà Nội, tăng sức hút với du khách.
Gửi phản hồi
In bài viết