Các trường học trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đã tăng cường tổ chức các hoạt động ngoại khóa. Trong đó, việc giáo dục kỹ năng sống tập trung vào việc dạy bơi để phòng, chống đuối nước; dạy học sinh tự bảo vệ trước các tình huống xấu, chấp hành các quy định về giao thông đường bộ; thực hiện các biện pháp phòng dịch Covid-19... Tất cả nhằm mục đích trang bị cho học sinh những kỹ năng cần thiết, phòng các trường hợp xấu xảy ra đối với các em. Cô giáo Nguyễn Thị Thu Hương, Hiệu trưởng Trường THCS Phan Thiết (TP Tuyên Quang) cho biết, hàng năm nhà trường đều tổ chức giải bơi dành cho học sinh. Việc tổ chức dạy bơi và thi bơi nhằm khuyến khích học sinh trang bị cho mình kỹ năng sống cần thiết. Tuyên Quang là tỉnh có hệ thống sông, suối, ao, hồ khá dày, do vậy việc trang bị kỹ năng bơi cho các em là rất cần thiết. Để từ đó giúp các em có thể bảo vệ mình trước tình huống xấu có thể gặp phải trong cuộc sống.
Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức giao lưu giáo dục kỹ năng tham gia giao thông cho học sinh các trường Tiểu học trên địa bàn.
Từ khi thành lập (năm 2019) đến nay, Trường Phổ thông Tuyên Quang luôn coi trọng giáo dục kỹ năng sống cho học sinh. Nhà trường tổ chức các hoạt động như dạy bơi, dạy võ, dạy nấu ăn, trồng rau… Em Nguyễn Đức Hiếu, lớp 7A cho biết, sau thời gian học tập ở trường, em đã có thể bơi thành thạo, biết nấu ăn những món ăn đơn giản để giúp đỡ bố mẹ. Bên cạnh đó chúng em còn được nhà trường trang bị những kỹ năng bảo vệ bản thân khi bị người lạ đe dọa hoặc có dấu hiệu bắt cóc…
Cùng với việc trang bị kỹ năng sống cho học sinh, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã phối hợp với các huyện, thành phố tiến hành rà soát lại hệ thống cơ sở vật chất, trường lớp học để loại bỏ dần cơ sở vật chất xuống cấp, không đảm bảo việc dạy và học. Phương án hiện nay trên địa bàn tỉnh là ưu tiên đầu tư các trường học có cơ sở vật chất xuống cấp, trường học bị ảnh hưởng của thiên tai, trường học vùng sâu, vùng xa…
Cô giáo Vũ Thị Kim Thoa, Hiệu trưởng Trường Mầm non Bình Xa (Hàm Yên) cho biết, năm 2020 nhà trường bị tốc mái 1 lớp học, 1 nhà kho và nhà để xe. Ngay sau đó, nhà trường đã huy động các nguồn lực, được UBND xã hỗ trợ mái che 1 phòng học. Cùng với đó, giáo viên đóng góp từ 200 nghìn đến 300 nghìn đồng/người, đồng thời huy động phụ huynh đóng góp ngày công lao động sớm hoàn thành sửa chữa công trình, đảm bảo điều kiện về cơ sở vật chất dạy và học.
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo, năm học 2021 - 2022, toàn tỉnh có hơn 7.500 phòng học, trong đó hơn 40% phòng học bán kiên cố và phòng học tạm. Chính vì thế, ngành Giáo dục và Đào tạo tiếp tục huy động các nguồn lực đầu tư nâng cấp, xây dựng hệ thống cơ sở vật chất, đáp ứng yêu cầu dạy và học.
Nhằm triển khai hiệu quả hơn nữa công tác an toàn trong trường học, UBND tỉnh đã có Văn bản số 3879, ngày 11-10-2021 về việc tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn trường học. Theo đó, UBND tỉnh giao nhiệm vụ cho Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Chủ tịch UBND huyện, thành phố chỉ đạo các cơ sở giáo dục chú trọng công tác đảm bảo an toàn cho học sinh, sinh viên ở mọi khâu. Trong đó, rà soát lại toàn bộ quy trình tổ chức các hoạt động để chủ động kiểm soát, kịp thời có phương án xử lý khi có sự việc phát sinh. Đồng thời, kiểm tra kỹ các điều kiện về cơ sở vật chất, khuôn viên nhà trường, trang thiết bị điện, thiết bị thực hành; chủ động liên hệ với đơn vị quản lý môi trường đô thị, cây xanh trên địa bàn tiến hành kiểm tra, cắt tỉa, xử lý các cây nguy hiểm, có thể gãy, đổ; đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm... nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh, sinh viên, cán bộ, giáo viên, nhân viên các trường…
Với việc triển khai hiệu quả, cụ thể các biện pháp đảm bảo an toàn trường học sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các trường từng bước nâng cao chất lượng dạy và học, hoàn thành mục tiêu năm học 2021 - 2022. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, trang bị cho học sinh kiến thức phòng bệnh, bảo đảm an toàn là rất cần thiết, góp phần đẩy lùi dịch bệnh ra khỏi cuộc sống cộng đồng.
Gửi phản hồi
In bài viết