Mặc dù đã ký với ta Hiệp định sơ bộ 6-3-1946 và Tạm ước 14-7-1946, nhưng thực dân Pháp vẫn liên tiếp xâm phạm trắng trợn chủ trương độc lập dân tộc của ta.
Trước tình hình đó, ngày 19-12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Khi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, so sánh lực lượng ta và địch rất chênh lệch. Địch có ưu thế về trang bị kỹ thuật hiện đại, có quân xâm lược nhà nghề đã ở trên đất nước ta trong thế xen kẽ trên từng chiến trường, từng khu vực. Thực dân Pháp đã lợi dụng thế đó để tiêu diệt lực lượng vũ trang non trẻ của ta, tiêu diệt cơ quan đầu não, nhanh chóng làm chủ tình hình.
Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến.
Với địa thế hiểm yếu, cơ sở cách mạng vững chắc, có các vùng căn cứ được xây dựng từ trong thời kỳ Cách mạng Tháng Tám và được tiếp tục xây dựng, Tuyên Quang trở thành một trong những trung tâm căn cứ địa cách mạng Việt Nam. Từ tháng 1-1947, đoàn đại biểu Chính phủ gồm đồng chí Hồ Kim Xuyên, Nguyễn Xiển và Thanh Tịnh lên tỉnh Tuyên Quang, chỉ đạo, chuẩn bị cho nhiệm vụ xây dựng căn cứ địa cáchmạng, đón tiếp Trung ương và đồng bào tản cư và đẩy mạnh công tác chuẩn bị thực lực kháng chiến. Đầu tháng 3-1947, các cơ quan lãnh đạo kháng chiến lần lượt chuyển lên căn cứ địa Việt Bắc. Nhiệm vụ mới đặt ra cho Tuyên Quang là phải phát huy thế mạnh của một tỉnh tự do, cùng cả nước kháng chiến; đồng thời phải tích cực xây dựng, bảo vệ vững chắc khu an toàn của Trung ương, tạo điều kiện cho các cơ quan Trung ương và đồng bào tản cư đến địa phương một cách thuận lợi, an toàn. Việt Bắc nói chung, Tuyên Quang nói riêng một lần nữa trở thành căn cứ đầu não của cả nước, hậu phương vững chắc của cuộc kháng chiến.
Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới, Tuyên Quang tăng cường sự lãnh đạo của các cấp. Để thống nhất sự chỉ đạo chung, từ đầu năm 1947, tỉnh tiến hành sáp nhập Ủy ban Hành chính với Ủy ban Kháng chiến thành Ủy ban Kháng chiến hành chính. Đảng, đoàn kháng chiến các cấp được thành lập chịu trách nhiệm chỉ đạo và giám sát công tác chuẩn bị kháng chiến. Để huy động đông đảo nhân dân vào cuộc kháng chiến kiến quốc, bên cạnh Mặt trận Việt Minh với các tổ chức cứu quốc thành viên, tỉnh tiến hành thành lập Mặt trận Liên Việt các cấp với hệ thống thành viên là Hội Liên hiệp Thanh niên, Hội Liên hiệp Phụ nữ...
Thực hiện chỉ thị của Trung ương Đảng và Chính phủ, Tuyên Quang đã thành lập Ban đón tiếp đồng bào tản cư, sắp xếp nơi ăn chốn ở, tạo điều kiện cho đồng bào ổn định cuộc sống, bắt tay vào sản xuất. Trên địa bàn tỉnh, nhiều điểm dân cư mới theo kiểu “phố kháng chiến” ra đời.
Đầu năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh, các đồng chí Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Quốc Việt và nhiều đồng chí lãnh đạo của Đảng, Nhà nước cùng các cơ quan Trung ương đã về đóng trên địa bàn tỉnh. Suốt một dải Sơn Dương, Yên Sơn, Chiêm Hóa với thế núi sông hiểm yếu trở thành nơi đóng quân, làm việc của các cơ quan Trung ương: Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch phủ - Thủ tướng phủ, Ban Thường trực Quốc hội, Mặt trận Liên Việt, Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục, Bộ Y tế, Bộ Canh Nông, Bộ Giao thông công chính, Bộ Nội vụ, Bộ Kinh tế, Bộ Tư pháp, Đài phát thanh, Nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Trung ương Đoàn... và các cơ sở sản xuất vũ khí, in ấn tài liệu phục vụ kháng chiến...
Do làm tốt công tác tuyên truyền giác ngộ và vận động quần chúng, nên khi các cơ quan, xí nghiệp di chuyển tới địa phương đã được đồng bào đón tiếp chu đáo. Nhân dân các huyện Sơn Dương, Yên Sơn, Chiêm Hóa, thị xã Tuyên Quang đã đóng góp hàng vạn ngày công, hàng vạn cây tre, nứa để vận chuyển tài liệu, máy móc, hàng hóa và xây dựng kho tàng, nhà cửa cho các cơ quan Trung ương. Đồng bào vùng Tân Trào, Minh Thanh (Sơn Dương), Trung Trực, Hùng Lợi, Đạo Viện (Yên Sơn), Vinh Quang, Kim Bình (Chiêm Hóa)... đã tự nguyện nhường nhà cho cán bộ kháng chiến ở, tích cực tham gia các đợt dân công phục vụ cách mạng. Cùng với các tuyến đường bộ, sông Lô, sông Gâm và sông Đáy trở thành những con đường giao thông hết sức quan trọng. Các huyện Sơn Dương, Yên Sơn, Chiêm Hóa nối liền thành một vùng an toàn khu thống nhất, rộng lớn. Hành lang giao thông liên lạc giữa các vùng trong khu an toàn từng bước hình thành và được giữ bí mật tuyệt đối. Trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến, khi mà lực lượng công an nhân dân, cảnh vệ còn mỏng, nhân dân Tuyên Quang đã nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng chống mọi âm mưu của kẻ thù, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ bí mật, an toàn cho Bác Hồ và các cơ quan Trung ương.
Làng Sảo, xã Hợp Thành, huyện Sơn Dương. Ảnh: Hoàng Thảo
Từ ngày 3 đến ngày 6-4-1947, tại làng Xảo (xã Hợp Thành, huyện Sơn Dương), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trì Hội nghị cán bộ Trung ương Đảng bàn về việc cụ thể hóa đường lối kháng chiến, kịp thời rút kinh nghiệm những tháng đầu của cuộc kháng chiến toàn quốc. Ngày 15-5-1947, Người Chủ tọa phiên họp Hội đồng Chính phủ bàn về công tác ngoại giao và khẳng định quyết tâm kháng chiến đến thắng lợi.
Do được tăng cường lực lượng từ chính quốc sang, quân Pháp tổ chức nhiều cuộc tiến công trên khắp các mặt trận Bắc Bộ và Trung Bộ. Từ đầu năm 1947, chúng mở rộng việc đánh chiếm các tỉnh thuộc Chiến khu X và Chiến khu XIV(1).
Để tăng cường công tác bảo vệ vòng ngoài, bảo đảm bí mật, an toàn cho các cơ quan Trung ương, tỉnh Tuyên Quang thành lập Ban bảo vệ căn cứ địa gồm các lực lượng: bộ đội cảnh vệ, công an, dân quân du kích. Cùng với lực lượng của trên, nhân dân Tuyên Quang đã góp phần bảo vệ an toàn cho cơ quan đầu não kháng chiến đóng trên địa bàn tỉnh bằng việc tích cực tham gia các phong trào “Phòng gian bảo mật”, tuần tra canh gác, lập trạm kiểm soát chặt chẽ ở các ngả đường, nêu cao khẩu hiệu ba không: “không biết, không thấy, không nói”.
Chiến sự càng đến gần, công tác chuẩn bị chiến đấu của Tuyên Quang càng khẩn trương. Nhân dân tích cực chuẩn bị các điểm sơ tán, tích trữ lương thực, nhu yếu phẩm đề phòng địch đánh tới. Các kho thóc, kho muối của Chính phủ và cơ quan Trung ương được phân tán, gửi trong nhân dân. Đầu thu đông 1947, khi âm mưu đánh chiếm khu Việt Bắc của địch bộc lộ rõ, công tác chuẩn bị chiến đấu của ta được đẩy tới mức cao hơn. Chấp hành chỉ thị của Trung ương ngày 15-9-1947 về việc “Sửa soạn phá những cuộc tấn công lớn của địch”, nghị quyết của Hội nghị quân sự Trung ương lần thứ 15, quân và dân Tuyên Quang triệt để thực hiện "tiêu thổ kháng chiến". Ban chỉ đạo “tiêu thổ kháng chiến” của tỉnh hoạt động tích cực, vận động nhân dân phá nhà cửa, xây dựng chướng ngại vật nhằm làm cho quân địch khi đến “không có chỗ mà ở, đi tới đâu cũng vướng”. Trong một thời gian ngắn, ta đã huy động được 307.000 ngày công phá đi 41.018 m2 nhà công sở và nhân dân, 100 chiếc cầu với tổng chiều dài hơn 1.000m, 22 km đường quốc lộ và 61 km đường loại khác. Trên dọc sông Lô từ Phan Lương đến Bình Ca, ta đã xây dựng hai kè ngăn, các bãi rộng ven sông ở trung và hạ huyện Sơn Dương đều cắm chông, gài mìn đề phòng địch đổ bộ hoặc nhảy dù.
Với tinh thần cảnh giác cao và được quần chúng nhân dân giúp đỡ, lực lượng an ninh ta đã phát hiện và phá tan các ổ nhóm phản động, làm trong sạch địa bàn. Tháng 2-1947, tổ chức “Hội tề công giáo” ở Sơn Dương do tên Lý Hồng Phẩm cầm đầu đã bị phá vỡ.
Ngày 17-4-1947, tỉnh đội Tuyên Quang được thành lập; tiếp đó các Ban huyện đội cũng được thành lập do một huyện ủy viên trực tiếp phụ trách. Đến tháng 6-1947, ngoài Trung đoàn vệ quốc sông Lô và đại đội cảnh vệ (đội quân chủ lực của tỉnh), Tuyên Quang còn tổ chức được 12.120 dân quân, 4.000 du kích, mỗi huyện thành lập từ 1 đến 2 trung đội du kích tập trung.
Để trang bị vũ khí cho lực lượng vũ trang, bên cạnh sự giúp đỡ của các xưởng quân giới Khu X (như z1 ở Đồng Hầm, z2 ở Tràng Đà, z3 ở Chợ Bợ, z4 ở Chợ Ngọc, z5 ở Bến Đĩa...), tỉnh Tuyên Quang đã thành lập xưởng quân giới sản xuất lựu đạn, địa lôi, súng kíp...
Tỉnh còn phát động phong trào tự sản xuất và mua sắm vũ khí. Nhiều súng kíp, dao găm, mã tấu được nhân dân tự trang bị. Dân quân du kích, trẻ già khắp nơi hăng say luyện tập sẵn sàng đánh địch. Tỉnh đã mở Trường Quân chính Minh Khai do đồng chí Trịnh An Bang làm Hiệu trưởng. Trải qua 4 khóa, có trên 300 cán bộ quân sự, chính trị đã được huấn luyện, đào tạo. Trong năm 1947, Trường còn mở thêm 10 lớp bổ túc chuyên ngành quân sự cho 20 cán bộ xã đội, 411 cán bộ trung đội, tiểu đội và nhiều đợt huấn luyện cho du kích các xã. Công tác giáo dục chính trị tư tưởng cũng được triển khai mạnh mẽ. Nhiều cán bộ của Tỉnh đội, Huyện đội đã trực tiếp xuống cơ sở phổ biến đường lối kháng chiến và chính sách của Đảng cho dân quân, du kích, tự vệ. Tỉnh cho phát hành tờ “Quân du kích” để động viên quần chúng hăng hái tham gia kháng chiến. Công tác văn hóa, thông tin tuyên truyền phát triển rộng khắp nhằm giúp cho quần chúng hiểu rõ đường lối “kháng chiến kiến quốc” của Đảng và Chính phủ.
Chỉ trong vòng 10 tháng (từ tháng 12-1946 đến tháng 9-1947) dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ và chính quyền tỉnh, khắp nơi ở Tuyên Quang đã dấy lên không khí chuẩn bị kháng chiến hết sức khẩn trương, sôi nổi.
------------------------------------------------------------
(1). Chiến khu X gồm các tỉnh: Vĩnh Yên, Phúc Yên, Yên Bái, Lào Cai, Tuyên Quang và Hà Giang. Chiến khu XIV gồm Sơn La, Lai Châu và huyện Mai Đà. Tháng 12-1948, hai chiến khu này sáp nhập thành Liên khu X; tháng 11-1949, Liên khu X sáp nhập với Liên khu I thành Liên khu Việt Bắc.
Gửi phản hồi
In bài viết