Xây dựng và phát triển thương hiệu: “Bệ phóng” cho nông sản chủ lực vươn xa

- Cùng với đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản, tỉnh, ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn và các địa phương đặc biệt quan tâm đến việc phát triển nhãn hiệu, thương hiệu cho các sản phẩm chủ lực. Đây được coi là “bệ phóng” để nông sản chủ lực của tỉnh vươn xa.

Kể từ khi được chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa năm 2019, sản phẩm cá sạch Na Hang đã “bơi” ra được biển lớn. Ông Vi Anh Đức, Giám đốc Hợp tác xã nuôi cá Nhật Nam (Na Hang) - cơ sở nuôi cá lớn nhất khu vực lòng hồ thủy điện Tuyên Quang cho biết, trước năm 2019 khi chưa được chứng nhận nhãn hiệu cá sạch Na Hang dù được đánh giá cao về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm nhưng giá trị vẫn thấp, do cá thương phẩm sau khai thác vẫn phải bán buôn cho các thương lái nhỏ lẻ trong tỉnh. Hơn 1 năm qua, với nhãn hiệu hàng hóa, thông tin sản phẩm được quảng bá rộng rãi, các nhà hàng, cửa hàng thực phẩm sạch tại một số thành phố lớn như Hà Nội, Việt Trì, Thái Nguyên... đã tìm đến đăng ký đặt hàng tiêu thụ. Hiện 1 kg cá lăng chấm có giá 450 - 700 nghìn đồng tùy theo trọng lượng; cá bỗng cũng có giá 150 - 200 nghìn đồng/kg, cao hơn 25 - 30% so với trước. Ông Vi Anh Đức khẳng định, có nhãn hiệu và chính sách hỗ trợ của tỉnh đã tạo “bệ phóng” giúp sản phẩm cá sạch Na Hang của HTX nói riêng và sản phẩm cá Tuyên Quang nói chung vươn xa.

Sản phẩm chủ lực, đặc sản của tỉnh giới thiệu tại hội chợ nông nghiệp toàn quốc tháng 12-2020.

Đồng chí Nguyễn Văn Hải, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh khẳng định, đưa sản phẩm cá sạch vươn xa hơn nữa, ngành hỗ trợ, tạo điều kiện để các doanh nghiệp, hợp tác xã nuôi trồng thủy sản tham gia các hội chợ, chương trình xúc tiến thương mại nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Tháng 12-2020 vừa qua, tại hội chợ sản phẩm OCOP của tỉnh, 1 doanh nghiệp lớn của tỉnh Phú Thọ đã ký biên bản thỏa thuận làm đại diện phân phối cá sạch Na Hang trên toàn quốc.

Cũng như sản phẩm cá, các sản phẩm lạc Chiêm Hóa, trâu thịt Tuyên Quang và nhiều sản phẩm chè vẫn khẳng định được giá trị, vị thế và sức cạnh tranh trên thị trường nhờ vào các chính sách hỗ trợ xây dựng, phát triển thương hiệu của tỉnh. Ông Hoàng Văn Oanh, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Tiến Thành, xã Hoàng Khai (Yên Sơn) khẳng định, với sự hỗ trợ về vốn, đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, xúc tiến quảng bá, giới thiệu sản phẩm chuỗi trâu thịt của hợp tác xã đã mở rộng được thị trường. Từ khi chưa có tên trong bản đồ các sản phẩm nông nghiệp, Tuyên Quang đã vươn tầm đứng thứ 6 khu vực miền Bắc và thứ 8 toàn quốc về chăn nuôi trâu hàng hóa. Sản phẩm trâu thịt đã được xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc và một số nước khác.

Đồng chí Nguyễn Văn Thuấn, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản tỉnh khẳng định, hiện tại tỉnh đã có 54 sản phẩm được cấp chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa, trong 9 sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh gồm: Cam, chè, mía, trâu, cá đặc sản, bưởi, lạc, gỗ rừng trồng và lợn. Các sản phẩm được cấp nhãn hiệu hàng hóa đã khẳng định được lợi thế cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước. Đăng ký nhãn hiệu, ngành cũng quan tâm tạo điều kiện cho các chủ thể tham gia các chương trình quảng bá, giới thiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại. Năm 2020 vừa qua, tại 4 chương trình xúc tiến thương mại quy mô lớn do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức, các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, sản phẩm có lợi thế cạnh tranh của tỉnh đã được đưa đi trưng bày, giới thiệu.

Theo ông Thuấn, xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản chủ lực, ngoài nỗ lực của tỉnh, ngành rất cần sự chung tay của người dân và các doanh nghiệp. Ngoài các cơ hội về kinh doanh, thương mại, nâng cao thu nhập, sự tham gia của doanh nghiệp, người dân sẽ thúc đẩy sản xuất phát triển, quyết định chất lượng sản phẩm đảm bảo tính bền vững của thương hiệu. 

Bài, ảnh: Đoàn Thư

Tin cùng chuyên mục