Văn hóa là kim chỉ nam trong hoạt động
Tại Công ty Điện lực Tuyên Quang, văn hóa doanh nghiệp của công ty được xây dựng dựa trên các giá trị cốt lõi như trách nhiệm, đoàn kết, sáng tạo và phát triển bền vững. Với sứ mệnh cung cấp điện an toàn, liên tục và ổn định cho người dân, công ty luôn đề cao tinh thần trách nhiệm với cộng đồng và môi trường. Đội ngũ nhân viên được khuyến khích phát huy sự sáng tạo trong công việc, tìm kiếm các giải pháp tối ưu nhằm nâng cao hiệu quả vận hành và dịch vụ khách hàng; giữ hình ảnh và tác phong chuyên nghiệp, trang phục gọn gàng đúng quy định, thực hiện nghiêm quy tắc ứng xử theo quy định của EVN.
Ông Hà Huy Tâm, Giám đốc công ty Điện lực Tuyên Quang nhấn mạnh, việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp đóng vai trò rất quan trọng trong sự thành công của công ty, đặc biệt là trong việc hoàn thành các mục tiêu kinh doanh. Năm 2023, doanh thu đạt hơn 2.359 tỷ đồng, tăng 197 tỷ đồng so với năm 2022, nộp ngân sách nhà nước hơn 2,7 tỷ đồng.
9 tháng đầu năm 2024, sản lượng điện thương phẩm của công ty đạt 952,203 Tr.KWh. Công ty phấn đấu năm 2024 sản lượng điện thương phẩm đạt 1.325,0 Tr.KWh, nộp ngân sách nhà nước 9 tháng năm 2024 hơn 4,7 tỷ đồng. Ngoài thực hiện tốt nhiệm vụ kinh doanh, công ty còn tích cực thực hiện công tác an sinh xã hội. Chỉ tính từ đầu năm đến nay, công ty đã chi 700 triệu đồng cho công tác này.
Còn Công ty cổ phần Xăng dầu Tuyên Quang thực hiện văn hóa doanh nghiệp theo “Bộ quy tắc ứng xử Petrolimex”, đưa ra các quy tắc đối với công nhân viên. Trong công tác bán hàng, công ty triển khai “Quy trình bán hàng 5 bước” áp dụng cho tất cả các cửa hàng trực thuộc, xây dựng hình ảnh người bán hàng văn minh thương mại.
Ông Nguyễn Đăng Quốc, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Xăng dầu Tuyên Quang chia sẻ: Đứng từ góc độ phát triển bền vững, Petrolimex tự hào là một doanh nghiệp luôn có trách nhiệm với xã hội, luôn tôn trọng và hài hòa lợi ích của các bên liên quan, bảo vệ môi trường và đóng góp lớn cho ngân sách Nhà nước. Petrolimex luôn là doanh nghiệp tiên phong trong chuyển đổi và kinh doanh các sản phẩm năng lượng sạch, thân thiện môi trường.
Các doanh nghiệp như Viettel, Vinaphone, Mobifone, Công ty Honda Linh Lực và nhiều doanh nghiệp khác cũng luôn xây dựng và lấy văn hóa doanh nghiệp làm kim chỉ nam cho hoạt động của kinh doanh của đơn vị.
Còn tại các cửa hàng đại lý các thương hiệu kinh doanh, cửa hàng nông sản như Sáng Nhung, Tâm Hương và hệ thống các siêu thị xây dựng văn hóa doanh nghiệp với khẩu hiệu trong kinh doanh “Vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”. Nhờ đó, hoạt động kinh doanh bán lẻ của các đơn vị đã nâng cao thương hiệu và giá trị kinh doanh, dịch vụ đáp ứng nhu cầu khách hàng.
Đóng góp vào sự phát triển kinh tế của tỉnh
Trên địa bàn tỉnh có 2.800 doanh nghiệp, với tổng vốn đăng ký là 35.772 tỷ đồng. Giai đoạn từ 2020 - 2024 do dịch Covid-19 và lũ lụt thiên tai, cộng đồng doanh nghiệp vừa phải có những giải pháp thích hợp, vượt qua khó khăn phục hồi và phát triển. Từ đó, duy trì các hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh nỗ lực phát triển thương hiệu, đóng góp vào sự ổn định, phát triển chung của tỉnh. Nhiều doanh nghiệp đã tìm cho mình những lối đi riêng, đem lại hiệu quả trong sản xuất kinh doanh. Điển hình như Công ty cổ phần xi măng Tân Quang, Công ty cổ phần chè Mỹ Lâm, Công ty cổ phần Hồ Toản, Công ty Lâm nghiệp Tuyên Bình, Công ty TNHH Sao Việt…
Ông Lê Danh Thắng, Giám đốc Công ty cổ phần xi măng Tân Quang cho biết, những biến động phức tạp của kinh tế thế giới, đặc biệt là cuộc xung đột Nga - Ukraine và khủng hoảng bất động sản tại Trung Quốc trong các năm vừa qua, đã tạo ra áp lực lớn lên ngành xi măng Việt Nam. Trước khó khăn này, công ty đã triển khai chính sách bán hàng linh hoạt và kế hoạch chiến lược tại các thị trường tiêu thụ trọng điểm như Tuyên Quang, Hà Giang, Lào Cai. Nhờ đó, doanh thu của công ty tuy có năm không đạt được kế hoạch đề ra, nhưng chỉ tiêu lợi nhuận vẫn đạt. Năm 2023, công ty nộp ngân sách Nhà nước đạt gần 42 tỷ đồng, năm 2024 công ty phấn đấu nộp hơn 46 tỷ đồng.
Công ty TNHH Sao Việt Tuyên Quang là một trong những doanh nghiệp sản xuất gỗ luôn đổi mới sáng tạo trong các hoạt động coi đây là giải pháp phát triển bền vững giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Gần đây nhất là công ty đã đầu tư xây dựng nhà máy gỗ ván ép và dây chuyền sản xuất tự động hóa hiện đại với tổng vốn đầu tư trên một 100 tỷ đồng. Việc ứng dụng tự động hóa và sản xuất đã giúp nhà máy nâng cao năng suất, tiết kiệm được chi phí, đáp ứng được thị trường trong nước và xuất khẩu. Trong đợt lũ lụt vừa qua, công ty đã đóng góp 100 triệu đồng tiền mặt giúp nhân dân tỉnh Tuyên Quang khắc phục hậu quả của cơn bão số 3, hỗ trợ ô tô, thiết bị dọn vệ sinh môi trường trị giá 30 triệu đồng.
Ông Nguyễn Ngọc Phẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp thành phố Tuyên Quang chia sẻ: Nhờ vào sự chú trọng phát triển văn hóa doanh nghiệp và không ngừng linh hoạt trong chiến lược kinh doanh, đầu tư, đổi mới công nghệ… các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã có những bước tiến vững chắc. Sự kiên trì và nhạy bén của cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã giúp họ vượt qua khó khăn và tích cực đóng góp vào sự phát triển kinh tế của địa phương.
Gửi phản hồi
In bài viết