Cụ thể, với 3.887 xe bán ra, Vios vượt xa các đối thủ chính là Hyundai Accent (1.824 xe, thứ 5) và Honda City (1.664 xe, ngoài bảng xếp hạng). Sự trở lại của Vios khiến giới chuyên môn ngạc nhiên, trong bối cảnh hơn 1 năm qua, Vios tuy vẫn bán rất chạy nhưng không thể đứng đầu trong bối cảnh thị trường ô tô chuyển dịch nhanh chóng theo hướng ủng hộ các dòng xe gầm cao cỡ nhỏ đô thị.
Theo thống kê của Toyota Việt Nam, thị trường chính của Vios là khu vực phía Nam, với 2.048 xe bán ra, gấp đôi so với khu vực phía Bắc (1.081 xe), gấp ba khu vực miền Trung (758 xe). Doanh số của chiếc sedan nhà Toyota thậm chí gấp đôi lượng bán ra của chiếc xe ở vị trí số 2 là Mitsubishi Xpander (1.979 xe). Tuy nhiên, chênh lệch thứ hạng không đồng nghĩa với việc sức bán của Xpander yếu.
Thực tế cho thấy, thị trường xe tháng 5-2022 ghi nhận sự bùng nổ doanh số của các dòng MPV. Những chiếc xe một thời bị chê là xấu xí, cục mịch giờ đây đủ sức cạnh tranh “chiếu trên” với các mẫu SUV và crossover đô thị vốn đang được người tiêu dùng trong nước đặc biệt ưa chuộng. Đối thủ chính của Xpander là Toyota Veloz cũng đã lọt vào nhóm 10 xe bán chạy nhất Việt Nam, với doanh số 1.833 chiếc, đủ để đứng ở vị trí thứ 4.
Doanh số các dòng MPV tại Việt Nam ngày càng tăng trưởng mạnh, thậm chí vượt xa các dự báo.
Trong khi đó, đại diện có thứ bậc cao nhất trong nhóm “gầm cao, máy thoáng” là Mazda CX-5 (1.880 chiếc). Về phần mình, sau khi tăng trưởng mạnh về doanh số trong tháng 4, Honda CR-V bỗng nhiên sụt giảm lượng xe bán ra tới 64,4% và chỉ còn 745 chiếc trong tháng 5, không đủ để lọt vào nhóm xe bán chạy.
Cùng với CX-5, THACO còn có một gương mặt sáng giá khác trong bảng xếp hạng tháng này là KIA Seltos (1.737 xe, thứ 6). Chiếc xe Hàn Quốc cũng xếp đầu bảng trong phân khúc SUV đô thị sôi động hiện nay, tuy chỉ dẫn trước Toyota Corolla Cross (1.717 xe, thứ 7) chút ít. Phân khúc với đầu sản phẩm phong phú bậc nhất hiện nay được dự báo còn “nóng” hơn trong thời gian tới, khi nhiều tân binh đã có lịch trình làng, nổi bật là Honda HR-V và Nissan Kicks.
Những cái tên còn lại trong bảng xếp hạng gồm KIA K3 (1.684 xe, thứ 8), VinFast Fadil (1.664 xe, thứ 10). Riêng “vua bán tải” Ford Ranger sau giai đoạn chuyển giao lắp ráp đã trở lại ổn định doanh số, ghi nhận 1.675 xe bán ra trong tháng 5, chiếm lĩnh vị trí thứ 9.
Đối nghịch với nhóm bán chạy là những tên tuổi “ế” nhất. Theo thống kê, Toyota Hilux, KIA Rondo dù chưa có thông báo ngừng bán chính thức, nhưng suốt 4 tuần qua không có xe nào tới tay khách hàng. Một số cái tên đáng chú ý khác trong nhóm này là Suzuki Ciaz (5 xe), Toyota Wigo (9 xe), Isuzu D-Max (15 xe) hay Suzuki Swift (74 xe).
Cũng trong tháng vừa qua, vì nhiều lý do khác nhau, một số mẫu xe đã biến mất khỏi thị trường Việt Nam. Trong đó đáng chú ý là Hyundai Kona được thông báo tạm dừng sản xuất và phân phối, do khó khăn về nguồn cung ứng linh kiện.
Ngoài Kona, Toyota Rush cũng đã rút khỏi thị trường Việt Nam từ cuối tháng 5, sau một thời gian dài vất vả đương đầu với các đối thủ mạnh như Mitsubishi Xpander hay Suzuki XL7. Doanh số công bố gần nhất của Rush là vào tháng 3, chỉ 14 chiếc. Sang tháng 4, Toyota Veloz ra mắt đã đẩy chiếc xe cầu sau bền bỉ này lùi vào phía sau "cánh gà".
Gửi phản hồi
In bài viết