Giáo sư Donald K. Milton, Viện Sức khỏe Môi trường Ứng dụng, Trường Đại học Maryland, đồng tác giả, cho biết: “Điều đó rất quan trọng vì mọi người có thể lây lan Covid-19 trước khi họ biết mình mắc bệnh. Việc phát hiện sớm hơn có thể làm giảm sự lây lan của bệnh”.
Nghiên cứu công bố vào ngày 21/3 này được triển khai trong thời kỳ đầu của đại dịch, khi nhu cầu cấp thiết đặt ra là phải tăng cường xét nghiệm, trong khi lại thiếu hụt nguồn cung cấp thiết bị, đặc biệt là tăm bông, lúc đó vẫn là phương pháp tiêu chuẩn để lấy mẫu xét nghiệm.
Để xác định những người mắc Covid-19, các nhà điều tra bắt đầu tiến hành xét nghiệm hàng tuần đối với các mẫu nước bọt từ các tình nguyện viên cộng đồng khỏe mạnh từ tháng 5/2020 và tiếp tục thực hiện trong 2 năm qua.
Trong số những người tình nguyện không có triệu chứng có kết quả xét nghiệm dương tính, Giáo sư Milton và các đồng nghiệp của ông nhận thấy những bệnh nhân này thường xuất hiện các triệu chứng sau đó 1 hoặc 2 ngày. Ông nói: “Điều đó khiến chúng tôi tự hỏi liệu xét nghiệm nước bọt có tốt hơn cho việc phát hiện bệnh nhân trước triệu chứng so với cách ngoáy mũi truyền thống hay không".
Để trả lời câu hỏi đó, các nhà nghiên cứu đã sử dụng dữ liệu từ một nghiên cứu song hành về những người tiếp xúc gần gũi với những người có trường hợp mắc Covid-19 được xác nhận.
Trong nghiên cứu, Giáo sư Milton cho biết: “Chúng tôi thu thập nước bọt và các mẫu tăm bông dịch mũi từ những người tiếp xúc 2 hoặc 3 ngày trong thời gian cách ly. Tất cả các mẫu đều được kiểm tra bằng xét nghiệm PCR để phát hiện virus SARS-CoV-2 và đo lượng RNA của virus trong các mẫu. Sau đó, chúng tôi phân tích những kết quả này thay đổi như thế nào trong những ngày trước và sau khi triệu chứng khởi phát”.
Và nhóm nghiên cứu kết luận: “Trong quá trình nhiễm bệnh sớm, nước bọt nhạy cảm hơn đáng kể so với dịch mũi, đặc biệt là trước khi có triệu chứng".
Các phát hiện này có ý nghĩa trong việc cải thiện sự chấp nhận của công chúng đối với xét nghiệm Covid-19, giảm chi phí sàng lọc Covid-19 hàng loạt và cải thiện sự an toàn của nhân viên y tế tiến hành xét nghiệm.
Hơn nữa, việc tự xét nghiệm nước bọt sẽ tránh được sự tiếp xúc gần giữa bệnh nhân và nhân viên y tế. Trong khi đó, việc ngoáy mũi khiến bệnh nhân ho và hắt hơi, từ đó làm lây lan các phần tử virus, cũng như gây khó chịu cho người bệnh.
Giáo sư Milton cho biết: “Nghiên cứu của chúng tôi ủng hộ việc sử dụng xét nghiệm nước bọt trong việc sàng lọc quy mô lớn ở trường học và nơi làm việc, như một phương tiện để cải thiện tỷ lệ sàng lọc, cũng như phát hiện sớm. Chúng tôi kỳ vọng nếu có các sản phẩm xét nghiệm nước bọt nhanh, chúng có thể là một bước tiến lớn so với các xét nghiệm nhanh dựa trên tăm bông hiện tại”.
Gửi phản hồi
In bài viết