Ông Mạc Văn Tiến, một ngư dân lâu năm sống trên khu vực làng chài Phúc Yên (Lâm Bình) khẳng định, chưa năm nào lượng rác ở đầu nguồn sông Gâm lại về nhiều như thời điểm này. Rác hữu cơ, vô cơ và rác thải nhựa, nhiều nhất là rác vô cơ thường là thân, cành, lá, rễ cây, cỏ. Đầu tiên về cảnh quan du lịch thì “trông không đẹp mắt”, thứ hai là rác vướng vào lồng bè, lưới của ngư dân, rồi cản trở, ảnh hưởng an toàn việc vận tải thủy.
Rác trên hồ thủy điện Tuyên Quang gây khó khăn cho vận tải thủy.
Hồ thủy điện Tuyên Quang vẫn được ví như “viên ngọc xanh” giữa đại ngàn. Nhiều khách du lịch đến đây không khỏi trầm trồ bởi không gian xanh - sạch, hữu tình. Theo người dân sống hai ven hồ cho biết, hàng năm hồ cũng có bị rác ở đầu nguồn sông Gâm trôi về, song thường ít, diễn ra vào mùa mưa lũ tháng 8-9. Do mặt hồ rộng 8.000 ha, trải dài trên địa bàn hai huyện Na Hang và Lâm Bình nên việc trục vớt rác cũng rất khó khăn. Thường thì rác hữu cơ sẽ tự chìm sau 1 - 2 tháng ngâm nước và một phần rác vô cơ. Còn lại nhiều rác thải nhựa, nhất là chai nhựa, thùng xốp thì vẫn trôi bồng bềnh. Anh Ma Văn Chung làm nghề chài lưới trên lòng hồ cho biết, chân vịt của thuyền máy đi mùa này hay vướng vào túi ni lông. Chủ thuyền thường phải nhảy xuống, lấy kéo cắt rác lôi khỏi chân vịt. Nói chung đi thuyền mùa lũ phải cẩn thận và có kinh nghiệm, không thì dễ va vào rác gỗ gãy chân vịt như chơi.
Ông Lê Văn Tú, Trưởng Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Na Hang cho biết: Phòng đang tham mưu cho UBND huyện xây dựng các giải pháp căn cơ, vì trục vớt rác cần nguồn lực rất lớn. Hiện nay Công ty Thủy điện Tuyên Quang cũng đang bàn cách xử lý làm sạch lòng hồ, nhất là đối với những cây gỗ to, rác thải nhựa nguy hại. Trước mắt huyện phối hợp với huyện Lâm Bình, huyện Bắc Mê (Hà Giang) tuyên truyền, vận động bà con sống xung quanh lòng hồ thủy điện và dọc sông Gâm phía thượng nguồn tỉnh Hà Giang xử lý rác thải nhựa đúng cách, tránh vứt lung tung gây ô nhiễm môi trường. Tại các thuyền, điểm du lịch đều có thùng rác để du khách bỏ vào đúng quy định. Có lực lượng thu gom, đưa lên bờ xử lý triệt để.
Rác trôi trên hồ thủy điện Tuyên Quang.
Tại danh thắng thác Khuổi Nhi, UBND huyện Lâm Bình đã giao cho HTX Thanh niên Thượng Lâm đảm nhận việc giữ gìn vệ sinh môi trường. Hàng ngày đội thanh niên nhắc nhở du khách bỏ rác thải vào đúng thùng quy định, phân loại rác, cho lên thuyền để chuyển vào bờ xử lý. Huyện đoàn hai huyện tăng cường tuyên truyền các chủ thuyền máy, hộ dân sống trên lồng bè nuôi cá, vừa có ý thức bảo vệ môi trường, vừa là thành viên tích cực vào việc thu gom rác thải nhựa. Huyện Na Hang cũng đã hợp đồng với Công ty Cổ phần Tuyên Quang xanh phụ trách thu gom rác thải với thùng đựng rác được đặt ở khu vực Bến thủy và được thu gom hàng ngày.
Ông Lê Quốc Thu, Phó trưởng Ban Quản lý các khu du lịch tỉnh cho rằng, nếu nhiều rác trên lòng hồ sẽ gây ảnh hưởng đến giao thông đường thủy, môi trường và du lịch sinh thái, việc làm sạch chúng là rất cần thiết. Việc này cần có sự phối hợp của các địa phương, Công ty Thủy điện Tuyên Quang, doanh nghiệp, người dân để tìm giải pháp hợp lý nhất. Ngoài các cây gỗ to được phân loại xử lý riêng, các loại rác thải khác trôi trên mặt hồ cần tìm hiểu, nghiên cứu, áp dụng các công nghệ vớt rác tiên tiến. Ví dụ thành phố Cần Thơ đã đưa vào tầu vớt rác tự động chạy bằng năng lượng mặt trời của Hà Lan. Mỗi ngày tàu có thể vớt được hàng chục tấn rác trên sông Hậu để xử lý, tránh ô nhiễm môi trường.
Việc xử lý rác trên lòng hồ Thủy điện Tuyên Quang cần có một giải pháp căn cơ, khoa học của địa phương, cơ quan chức năng. Bảo đảm rác được đưa lên bờ xử lý đúng cách, nếu để chìm nhiều rác về lâu về dài vẫn ảnh hưởng đến nguồn nước và môi trường sinh thái.
Gửi phản hồi
In bài viết