Bản làng no ấm
Những ngày áp Tết Giáp Thìn, mây giăng trắng xóa những cung đường lên thôn Khuôn Làn, xã Tri Phú (Chiêm Hóa). Trong tiết trời se lạnh, người dân toàn thôn chộn rộn chào đón Tết cổ truyền. Bên bếp lửa bập bùng trong ngôi nhà gỗ, ông Lý Văn Khình, một người có uy tín của bản Mông Khuôn Làn say sưa kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện của bản Mông nơi ông sinh sống. Gia đình ông Khình là 1 trong 4 hộ người Mông ở Trà Lĩnh (Cao Bằng) về Khuôn Làn định cư. Sau hơn 30 năm ở vùng đất mới, đến nay, Khuôn Làn phát triển lên 69 hộ dân.
Cây cầu Nà Kham do Sở Giao thông Vận tải đầu tư hoàn thành năm 2023. Ảnh: Lê Duy
Ông Khình bảo, bà con trong thôn được Đảng, Nhà nước quan tâm nhiều lắm. Bà con có gì khó đều được cán bộ, các cơ quan về giúp đỡ, hỗ trợ. Riêng tháng 11 vừa rồi, thôn đón hằng trăm cán bộ công an về hỗ trợ dân sửa đường, bắc cầu qua suối, hay Tết Trung thu, các đơn vị về tận thôn tổ chức chương trình Tết, tặng quà cho các cháu trong thôn đủ đầy. Đời sống bà con trong thôn ngày càng được nâng lên nhờ trồng rừng, cấy lúa, trồng ngô, cam.
Nói rồi, ông cười sảng khoái, khoe: “Tết năm nay, đời sống bà con có nhiều đổi mới, được Nhà nước quan tâm đưa điện về thắp sáng, rất là vui. Con đường cũng được bê tông hóa, bà con đi lại thuận tiện, không cần đèn pin như trước nữa. Nhà văn hóa thôn cũng đang quá trình xây dựng, tới đây bà con có chỗ sinh hoạt, vui chơi. Có đường, có điện, từ giờ bà con làm gì cũng thuận lợi, cây con làm ra đều dễ bán hơn, đời sống bà con cũng sẽ ấm no hơn. Chúng tôi tuyên truyền bà con phải theo con đường của Đảng và Bác Hồ, chăm chỉ sản xuất, phát triển kinh tế để xây dựng Khuôn Làn ngày càng phát triển” ông Khình nói.
Rời Khuôn Làn, chúng tôi đến vùng quê cách mạng ATK Kim Quan (Yên Sơn). Nơi đây, so với 3 năm về trước có sự thay đổi vượt bậc từ diện mạo thôn quê đến bức tranh kinh tế. Những mảnh ruộng, bờ soi dọc các tuyến đường liên thôn, liên xã được phủ một màu xanh mướt của ngô, dưa chuột, ớt. Những ngôi nhà xây ngày một dày hơn. Đồng chí Dương Đức Tuyên, Phó Chủ tịch UBND xã Kim Quan, chia sẻ: những năm gần đây, nhờ các chủ trương, chính sách và các phong trào thi đua do Đảng lãnh đạo, Nhà nước phát động như xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; thi đua phát triển kinh tế, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho địa bàn đặc biệt khó khăn, hộ nghèo... Đời sống bà con trong xã ngày càng được cải thiện, diện mạo khu dân cư ngày càng khởi sắc. Theo anh Tuyên, Tết năm nay, mặc dù còn nhiều khó khăn, tuy nhiên, các hộ dân trong xã đều có đủ bánh trái đón xuân. Đặc biệt, các hộ nghèo, đặc biệt khó khăn đã được Đảng, Nhà nước hỗ trợ gạo, tặng quà tết; đồng thời, các tổ chức chính trị - xã hội địa phương xuống thăm nhà, động viên trước Tết, nên các hộ dân đều có đủ vật chất đón xuân tươm tất.
Tích cực chăm lo cho nhân dân
Trong năm 2023, với điều kiện chung của cả nước, Tuyên Quang gặp không ít khó khăn, thách thức. Vượt lên tất cả, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, sự nỗ lực của chính quyền các cấp và các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh, tỉnh đã hoàn thành cơ bản các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh. Trong đó, công tác an sinh xã hội, chăm lo cho người nghèo luôn được Đảng bộ tỉnh quan tâm chỉ đạo, từ đó các chương trình, chính sách, hoạt động hỗ trợ người nghèo được triển khai đồng bộ, kịp thời. Trong năm 2023, toàn tỉnh đã hỗ trợ làm mới, sửa nhà hơn 2.000 nhà cho hộ nghèo với tổng số tiền hỗ trợ trên 318 tỷ đồng; duy trì trợ cấp hàng tháng cho trên 38.000 đối tượng bảo trợ xã hội, kinh phí trên 20 tỷ đồng. Hết năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm thêm 3,81%.
Về công tác chăm lo Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Mặt trận Tổ quốc tỉnh, các cơ quan, đơn vị, các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở đã khởi động nhiều hoạt động chăm lo Tết cho các gia đình chính sách, hộ nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh đã có văn bản đề nghị UBND các huyện, thành phố chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn thường xuyên rà soát, nắm chắc tình hình đời sống Nhân dân trên địa bàn những tháng cuối năm 2023 để trợ giúp kịp thời cho các hộ gặp khó khăn, rủi ro, bị thiệt hại do thiên tai, tai nạn và những hộ nghèo đặc biệt khó khăn có nguy cơ thiếu đói lương thực. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp UBND các xã, phường, thị trấn rà soát số hộ, khẩu có nguy cơ thiếu đói lương thực trong dịp Tết để hỗ trợ kịp thời.
Ủy ban MTTQ tỉnh đã chỉ đạo Ban thường trực MTTQ các huyện, thành phố phối hợp tuyên truyền, vận động các tầng lớp Nhân dân tham gia các hoạt động thực hiện phong trào “Tết Nhân ái” - Xuân Giáp Thìn năm 2024. Phối hợp tổ chức thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân trong dịp Tết, đặc biệt là các gia đình chính sách, người có công với cách mạng, người có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo...
Đồng chí Lê Ngọc Tân, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh cho biết: Ủy ban MTTQ tỉnh dự kiến Quỹ “Vì người nghèo” các cấp sẽ phân bổ trên 1 tỷ đồng; MTTQ các cấp vận động tặng trên 1.000 suất quà Tết cho các gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và các đối tượng xã hội, đảm bảo mọi người, mọi nhà đều được vui xuân đón Tết đầm ấm, an toàn.
Hơi ấm mùa xuân đang len lỏi đến từng ngôi nhà, từng thôn xóm, làng quê, đọng niềm vui trên gương mặt mỗi người. Một mùa xuân nữa đang về trên quê hương Thủ đô Khu Giải phóng, Thủ đô Kháng chiến. Mùa xuân của ấm no, hạnh phúc cho mỗi gia đình, mỗi người dân.
Gửi phản hồi
In bài viết